tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhìn vào đồ thị các cổ phiếu này, bạn sẽ hối tiếc vì đã không đầu tư chứng khoán

  • Cập nhật : 11/07/2016

Nhiều cổ phiếu có mức giá "không tưởng". Nhà đầu tư bán xong bị rơi vào tình trạng "mất hàng" vì cổ phiếu chưa có dấu hiệu tạo đỉnh. Tuy nhiên sự dễ dãi của dòng tiền đang khiến nhà đầu tư phớt lờ rủi ro tiềm ẩn.

Thị trường chứng khoán đầu năm 2016 đã trở thành một bữa tiệc bất ngờ cho giới đầu tư. Tính ở thời điểm tết âm lịch, khi giá dầu xuống dưới 27 USD/thùng, giới đầu tư lúc đó đã lắc đầu cho rằng năm 2016 không phải là năm của đầu tư chứng khoán và không có ngành nào đủ dẫn dắt VN-Index tăng điểm. Ấy vậy mà những ngành được cho là bi đát nhất, nằm trong nhóm “underweight” (kém khả quan) trong hầu hết các báo cáo phân tích của các CTCK là ngành dầu khí và ngành thép lại là ngành tăng điểm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm.

Nhóm cổ phiếu thép đã tăng bình quân 54% kể từ đầu năm trong đó HSG tăng 138% từ 19.700 đồng/cp (giá đã điều chỉnh cổ tức 50%) lên 46.800 đồng/cp, kể từ khi cổ phiếu này điều chỉnh giá tham chiếu để trả cổ tức, giá cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng không ngừng. Cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên tăng 190% từ 4.100 đồng/cp lên 11.900 đồng/cp, HPG tăng 46%, NKG tăng 150%. Hầu hết nhóm cổ phiếu thép đều vượt đỉnh và thiết lập các mốc cao nhất trong lịch sử.

Biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép xây dựng và phôi thép của Bộ Công thương đã khiến doanh số bán hàng của các công ty thép tăng vọt, mặc dù triển vọng của ngành thép chưa có gì sáng sủa do áp lực từ thép Trung Quốc song giới đầu tư vẫn đang trông chờ vào kết quả kinh doanh 6 tháng của nhóm ngành này sẽ tăng vượt bậc so với cùng kỳ 2015.



Nhóm cổ phiếu khai thác đá nửa đầu năm nay đã có mức tăng "khủng khiếp". PTB tăng gấp đôi trong 6 tháng (từ 67.000 đồng/cp lên 140.000 đồng/cp) và tăng gấp 6 lần trong 3 năm, VCS tăng gấp đôi từ 54.000 đồng/cp lên 110.000 đồng/cp) hai cổ phiếu này sau khi điều chỉnh trả cổ tức xong giá tăng cao hơn lúc chưa điều chỉnh. NNC tăng từ 46.000 đồng/cp lên 82.000 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu khai thác đá có tiềm năng tăng trưởng lớn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của PTB trong 4 năm qua đạt 37%/năm (từ 2012 đến 2015 lợi nhuận tăng gấp đôi từ 67 tỷ lên 175 tỷ); lợi nhuận của VCS 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoantr 280 tỷ đồng cao nhất kể từ khi niêm yết.


Nhóm cổ phiếu dược với tỷ lệ trả cổ tức cao như Dược Hậu Giang trả cổ tức tiền mặt 35%, DMC thưởng cổ phiếu 30%, DHT trả cổ tức bằng tiền 30% và cuộc đổi thay của các nhà đầu tư tại các công ty dược đã khiến các cổ phiếu này hầu hết đều vượt đỉnh lịch sử. DHG tăng 80%, TRA tăng hơn 100%, DMC tăng 180% đã khiến nhóm cổ phiếu được coi là "phòng thủ" nhưng lại có mức tăng trưởng gần như cao nhất trong các nhóm ngành trong nửa đầu năm 2016.


Nhóm cổ phiếu hóa chất đều có mức tăng dựng đứng trong đó LIX tăng gấp đôi từ 56.000 đồng/cp lên 110.000 đồng/cp, NET tăng gấp đôi từ 35.000 đồng/cp lên gần 70.000 đồng/cp, PAC tăng 150% từ 20.000 đồng/cp lên 50.000 đồng/cp. Các cổ phiếu này đều có mức chia cổ tức trên 30% và chia thưởng cổ phiếu.


Nhóm cổ phiếu nông nghiệp trong đó cổ phiếu mía đường trở thành tâm điểm khi SLS trở thành một trong các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán nửa đầu năm 2016 với mức tăng gần gấp 3 lần, KTS tăng hơn gấp 3 lần từ 19.000 đồng/cp lên 67.000 đồng/cp. Giá đường tăng trở lại đã khiến các công ty mía đường đột phá về lợi nhuận trong đó EPS quý 1/2016 của KTS đã đạt 4.700 đồng/cp.

Cổ phiếu nông nghiệp như PAN, NSC cũng đã vượt đỉnh 5 năm nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.


Nhóm cổ phiếu xây dựng không cổ phiếu nào có thể "địch nổi" tốc độ tăng trưởng của CTD. Với hàng loạt các đơn hàng trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ các ông lớn bất động sản như Vingroup, và trả tỷ lệ cổ tức bằng tiền 55%, CTD đang là quán quân thị giá trên TTCK Việt Nam với mức giá 210.000 đồng/cp. Trong một năm qua, giá cổ phiếu CTD đã tăng gấp 4 lần.


Nhóm cổ phiếu khoáng sản như KSB đã tăng gấp ba từ 38.000 đồng/cp lên 94.000 đồng/cp, cổ phiếu này đã có 17 phiên tăng điểm liên tiếp và không hề có phiên điều chỉnh. KSB đang tăng vượt quá các yếu tố cơ bản hỗ trợ và nhà đầu tư cần cảnh giác với các cổ phiếu tăng dựng ngược như thế này.


Cổ phiếu ngành bao bì như CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát cũng có mức tăng gấp 3 lần sau khi công ty này báo lãi 6 tháng ước đạt 58 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ. Câu chuyện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và mở rộng các nhà máy sản xuất của AAA cũng thu hút dòng tiền vào cổ phiếu này.

Năm nay là một năm rất đặc biệt, trước đây khi nhà đầu tư gom mua cổ phiếu bluechips ở thời điểm thị trường rẻ, một giai đoạn sau khi bluechips tăng giá ở một mức độ nhất định sẽ chốt lời và dòng tiền di chuyển sang nhóm cổ phiếu midcap, khi dòng tiền bắt đầu chuyển sang nhóm penny (nhóm cổ phiếu nhỏ thị giá 2000-3000 đồng) thì lúc đó thị trường tạo đỉnh. Tuy nhiên trong nửa đầu năm nay tâm lý nhà đầu tư đã hoàn toàn khác. Có lẽ do có quá nhiều sự lựa chọn do số lượng cổ phiếu niêm yết ngày càng tăng, dòng tiền đã hoàn toàn phớt lờ các cổ phiếu penny và dồn tiền cho các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và cổ tức cao khiến các cổ phiếu tăng “không có đỉnh”.

Thậm chí ngay cả khi Vn-Index giảm hơn 34 điểm trong phiên 24/6 do Brexit, chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên thậm chí vượt đỉnh cũ. Câu chuyện “như chưa từng có cuộc chia li” khiến nhiều nhà đầu tư “mất hàng” và nuối tiếc nhìn cổ phiếu tăng phi mã mà không dám mua lại vì chỉ sợ mua xong lại trúng đỉnh.

Tuy nhiên các CTCK cho rằng sự dễ dãi của dòng tiền đang khiến nhà đầu tư phớt lờ rủi ro tiềm ẩn. Diễn biến của giá dầu và đồng nhân dân tệ có thể gây áp lực lên VND và với các cổ phiếu tăng không dựa vào yếu tố cơ bản, khi thị trường có "động", áp lực bán tháo là rất lớn.

Hiện tại các cổ phiếu tăng phi mã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang thu hút được dòng tiền do nhóm này là nhóm duy nhất từ đầu năm chưa tăng.


Phương Mai
(Theo Người Đồng Hành)

Trở về

Bài cùng chuyên mục