tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mốc 51% vốn ngoại tại CTCK, thêm nhiều dấu hỏi

  • Cập nhật : 12/09/2015

(Tin kinh te)

Các công ty chứng khoán hiện đang băn khoăn về việc cấp mã số giao dịch khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài, và cách xử lý khi room liên tục thay đổi quanh ngưỡng 51%.

moc 51% von ngoai tai ctck, them nhieu dau hoi

Mốc 51% vốn ngoại tại CTCK, thêm nhiều dấu hỏi

Phải cấp mã số giao dịch, tại sao?

Theo Luật Đầu tư, khi thực hiện quy định nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP dẫn đến NĐT ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, CTCK nội sẽ trở thành NĐT nước ngoài. Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60 quy định, khi trở thành NĐT nước ngoài, CTCK phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán.

Câu hỏi mà nhiều CTCK đặt ra là họ phải mở mã số giao dịch để làm gì, khi thực hiện việc này họ có phải chịu các ràng buộc về: thanh toán qua ngân hàng lưu ký, vay và cho vay vốn để kinh doanh chứng khoán, tự doanh, tuân thủ quy định về thuế… như đang áp dụng đối với NĐT nước ngoài hay không?

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, CTCK thuộc diện NĐT nước ngoài phải tuân thủ quy định về đăng ký mã số giao dịch chứng khoán là để giám sát và kiểm soát việc giao dịch của NĐT nước ngoài, đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa tại các DN niêm yết.

Theo đó, với mã số giao dịch chứng khoán được cấp, nếu CTCK là NĐT nước ngoài đặt lệnh mua một cổ phiếu nào đó vượt quá tỷ lệ sở hữu cổ phần được phép theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, thì hệ thống giao dịch của các Sở GDCK sẽ nhận diện được lệnh này, từ đó đưa ra tín hiệu cảnh báo, đồng thời không cho phép khớp lệnh.

Ngoài ra, CTCK thuộc diện NĐT nước ngoài không phải chịu các ràng buộc về thanh toán, vay và cho vay vốn để kinh doanh chứng khoán, tự doanh… như áp dụng đối với NĐT nước ngoài. Cụ thể, các CTCK vẫn thực hiện phương thức thanh toán như hiện tại, chứ không phải thanh toán qua ngân hàng lưu ký như đối với NĐT nước ngoài.

Mặt khác, các CTCK vẫn được phép vay và cho vay như đang thực hiện, chứ không có biến động nào khi trở thành NĐT nước ngoài. Riêng với hoạt động tự doanh, các CTCK sẽ phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài (với những ngành nghề mà pháp luật có quy định khống chế).

Room liên tục biến động, ứng xử ra sao?

Một câu hỏi khác được các CTCK nêu ra là với các CTCK niêm yết, tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài sẽ thường xuyên biến động trên hoặc dưới tỷ lệ 51% (mốc xác định CTCK có hay không là NĐT nước ngoài), như vậy căn cứ vào đâu, thời điểm nào để xác định CTCK là NĐT nước ngoài, hoặc không phải là NĐT nước ngoài, kèm theo đó là ứng xử các quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng với họ?

Sở dĩ các CTCK đặt ra câu hỏi này bởi có hay không trở thành NĐT nước ngoài sẽ tác động đáng kể đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty, cũng như quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan và cổ đông.

Giải đáp mối quan tâm trên, đại diện UBCK cho biết, về nguyên tắc và logic, thì vấn đề trên sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư (dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 9 - PV). Thực ra, ngành chứng khoán đã có dự liệu để xử lý, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc đã được đặt ra tại Luật Đầu tư và sắp tới là Nghị định hướng dẫn. Bởi vậy, trên cơ sở các quy định này, ngành chứng khoán sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp.

 

Thời gian qua, nhiều CTCK chưa lường hết những tác động, vướng mắc phát sinh khi áp dụng quy định về nới room nên còn băn khoăn, chưa lên kế hoạch nới room. Tuy nhiên, nếu các thắc mắc được nhà quản lý TTCK giải đáp kịp thời và văn bản hướng dẫn các DN nới room theo Nghị định 60 được ban hành, chắc chắn có thêm nhiều DN tiến hành nới room, qua đó cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam. 

Theo Hữu Hòe

Đầu tư Chứng khoán

Trở về

Bài cùng chuyên mục