tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làn gió mới từ trái phiếu Doanh nghiệp

  • Cập nhật : 06/06/2016

Giữa tháng 5 vừa qua, việc CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) hoàn thành ký kết phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu DN cho TPBank và VIB khiến giới quan sát trên thị trường vốn lạc quan đối với kênh huy động tài chính này. Và hiện các NHTM vẫn tỏ ra tự tin khi đầu tư vào DN thông qua kênh trái phiếu.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013-2015, mặc dù quy mô thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam chỉ ở mức 7.000 tỷ đồng nhưng diễn tiến cơ bản đang cho thấy kênh huy động này có dấu hiệu bật lên khá mạnh.

Nếu như năm 2014, các DN chỉ phát hành khoảng trên 3.200 tỷ đồng trái phiếu thì đến năm 2015, con số này tăng thêm hơn 1.600 tỷ nữa, đạt mức 4.850 tỷ đồng. Và theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện quy mô toàn thị trường trái phiếu DN ước đạt khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương 2,5% GDP), trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng trái phiếu DN đang niêm yết.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Quan sát trên thị trường cho thấy, ngoài TTCS, thì từ đầu năm đến nay, các DN khác như CTCK Rồng Việt, CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất, CTCP Đường Biên Hòa, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh… cũng đã lên kế hoạch phát hành từ 300 – 1.200 tỷ đồng trái phiếu. Với nhịp độ này, các chuyên gia dự báo rằng khả năng trong các tháng cuối năm 2016, nhiều DN lớn sẽ phát hành trái phiếu để vừa huy động vốn đầu tư, vừa chuyển nợ từ nợ ngoại tệ sang tiền đồng nhằm giảm tránh rủi ro tỷ giá.

Theo thống kê của HNX, hiện các NHTM vẫn là nhà đầu tư chủ lực tham gia thị trường trái phiếu DN với tỷ lệ trên 73%. Các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia khoảng 2,5%. Hiện nay một số DN bảo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân cũng tham gia vào thị trường này với tỷ trọng tương ứng khoảng 0,8% và 1,9%. Điều này cho thấy sức hút của trái phiếu DN cũng đã bắt đầu có sự lan tỏa hơn so với giai đoạn trước.

Để tạo điều kiện tốt hơn cho các DN đẩy mạnh kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, giới phân tích chứng khoán cho rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi Thông tư 211/2012 và đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu DN theo hướng minh bạch hóa thông tin phát hành, hình thành cơ chế gắn phát hành với lưu ký và đăng ký giao dịch…

Ngoài ra, cơ quan này cũng cần gấp rút triển khai xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 88/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Bởi từ năm 2014, Chính phủ đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc hình thành một tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN và vào tháng 4/2015 Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy tổ chức này sẽ sớm được thành lập. Và các nhà đầu tư vẫn đang phải tự mò mẫm.


Hà Minh
THời báo Ngân Hàng

Trở về

Bài cùng chuyên mục