Dự án thành phố “mọi nơi” (Ubiquitous City) đã được triển khai tại 50/163 thành phố tại Hàn Quốc.
Việt Nam dự kiến thí điểm phát triển 3 đô thị thông minh
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Ba thành phố Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc có thể được lựa chọn làm thí điểm phát triển theo hướng đô thị thông minh, trong đó ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất.
Ngày 28/8, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam 2016-2030”. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị với sự tham gia của Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo nhiều bộ ngành, đại diện Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ và nhóm Sáng kiến Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó đô thị có quy mô lớn thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (trung bình 7-8 triệu người); khoảng 30 đô thị tương đối lớn bao gồm: các đô thị loại I và loại II có quy mô từ 250.000 đến 1,5 triệu người. Khu vực đô thị chiếm 10,26% diện tích đất tự nhiên, khoảng 33,6% dân số, song đóng góp khoảng 60% GDP cả nước và 70% tổng thu ngân sách toàn quốc.Chỉ tính 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai chiếm 5,5% diện tích và 26,4% dân số, nhưng đóng góp hơn 46% GDP cả nước. Do đó, quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Sự phát triển của đô thị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, đó là đô thị hóa tăng (dân số đô thị và số đô thị tăng); vấn đề môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…; hạ tầng lạc hậu, quá tải (như điện, nước, giao thông)...
"Với vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung. Xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đô thị thông minh (Smart city) có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế, môi trường, quản trị, giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục thông minh, ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất. Công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, phát triển các đô thị thông minh như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc... Việt Nam mặc dù còn nhiều bất cập, song các đô thị đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, truyền thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh.
Năm 2014, tỷ lệ người sử dụng Internet/tổng dân số đạt 43,8%, cao hơn tỷ lệ của thế giới là 42,2% và châu Á là 34,8%. Việt Nam có gần 14.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin với 500.000 lao động và doanh thu lớn. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực đời sống xã hội, như ở các lĩnh vực quản lý ngân sách và kho bạc, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế…
Từ bức tranh của các đô thị Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Việt Nam cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh với bốn mục tiêu: hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sau hội thảo này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành sẽ phối hợp kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Ba địa phương được đề xuất thí điểm phát triển thành phố thông minh là Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc.
Tiến sĩ Jae Yong Lee, ủy viên Ban Dự án thành phố thông minh - Gyeongsangbuk-do, Thư ký Ban hỗ trợ lập kế hoạch thành phố thông minh đến từ Hàn Quốc chia sẻ, để xây dựng đô thị thông minh, Hàn Quốc ban hành luật vì cơ sở pháp lý là rất quan trọng. Việt Nam đang xây dựng đô thị mới, chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh, mang lại tiện ích lớn cho người dân.
Ông Jae Yong Lee cho rằng, để xây đô thị thông minh, Việt Nam cần xác định rõ khái niệm, mục tiêu. Vì việc lựa chọn khái niệm, mục tiêu này sẽ tác động đến chính sách. "Hàn Quốc đã ban hành luật Thành phố thông minh từ năm 2008 với 3 nội dung chính: cơ sở hạ tầng; dịch vụ; chính sách. Ví dụ, để điều khiển giao thông, ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh còn có hệ thống giám sát từ bãi đỗ xe, hệ thống các loại xe; ở bến xe buýt, người dân có thể biết mấy phút nữa thì có xe buýt đến. Tất cả thông tin này trung tâm điều khiển điều phối thông qua ứng dụng công nghệ thông tin", ông Jae Yong Lee nói.
Ông Nguyen Francis Tuan Anh, Giám đốc về kinh nghiệm phát triển của Microsoft Việt Nam cho rằng, đô thị thông minh phải đặt người dân vào trung tâm của các giải pháp. Cần tận dụng triệt để công nghệ thông tin, nhất là công nghệ điện toán đám mây.
Còn ông Kevin Chong (Singapore) thì khẳng định, để vận hành một đô thị thông minh, không chỉ là vấn đề ứng dụng công nghệ mà còn để bảo tồn bản sắc văn hóa. Singapore có quy hoạch mọi lĩnh vực thông minh để người dân sống tiện ích hơn, như xây dựng những mạng wifi rộng khắp để người dân cả nước có thể sử dụng. 98% thủ tục của người dân được giải quyết qua mạng với hơn 1.000 dịch vụ hành chính công.