tin kinh te

Giới thiệu chung về Quy tắc xuất xứ trong các FTA của Hoa Kỳ

1.      Tại sao doanh nghiệp cần quan tâm đến Quy tắc xuất xứ trong các FTA?

Một trong những nội dung quan trọng của các FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của các Bên (nước thành viên FTA) cho nhau. Cụ thể, mỗi Bên trong FTA sẽ phải cam kết loại bỏ phần lớn thuế quan (thuế nhập khẩu) cho hàng hóa của (các) Bên kia. Loại hàng hóa và thời gian loại bỏ thuế tùy thuộc vào kết quả đàm phán (nêu trong Biểu cam kết loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa của từng nước).

Đối với những nước có nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam, lợi ích chủ yếu và trực tiếp mà Việt Nam có thể hy vọng từ việc ký các FTA với các đối tác là ở việc các đối tác FTA loại bỏ thuế quan cho hàng xuất khẩu Việt Nam khi xuất sang thị trường đối tác. Trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương (TPP) – một FTA lớn giữa 9 nước hai bờ Đại Tây Dương, việc Hoa Kỳ loại bỏ thuế quan với hàng hóa Việt Nam khi xuất vào thị trường này là lợi ích được kỳ vọng nhất của Việt Nam từ TPP (bởi các đối tác trong TPP như Úc, New Zealand, Chi lê, Singapore… đều đã cam kết loại bỏ thuế quan đối với phần lớn hàng hóa Việt Nam theo các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước này trước đây).

Tuy nhiên, việc loại bỏ thuế quan (hay còn gọi là ưu đãi thuế quan theo FTA) cho các đối tác trong FTA chỉ áp dụng đối với “hàng hóa có xuất xứ từ đối tác FTA”.Mỗi FTA thường sẽ có một hệ thống quy định riêng về quy tắc xuất xứ, với các quy định chi tiết hàng hóa nào (mức độ gia công ra sao, nguồn gốc của nguyên liệu như thế nào) thì được xem là “có xuất xứ” (từ đối tác FTA) để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan. Tùy thuộc vào kết quả đàm phán FTA đó mà mỗi loại hàng hóa, ở mỗi FTA, sẽ có các quy tắc xuất xứ khác nhau.

Nếu các quy định về quy tắc xuất xứ không phù hợp với tình hình sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào của nước xuất khẩu thì hàng hóa nước đó sẽ khó đáp ứng được các điều kiện để được coi là “có xuất xứ” phù hợp và do đó sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong các trường hợp như vậy, lợi ích lý thuyết mà nước xuất khẩu hy vọng có được từ FTA sẽ bị vô hiệu hóa bởi các quy tắc xuất xứ hàng hóa không hợp lý này.

Vì vậy, quy tắc xuất xứ là một nội dung quan trọng trong bất kỳ FTA nào. Và việc đàm phán để có được bộ quy tắc xuất xứ phù hợp sẽ quyết định lợi ích (từ thuế quan) của một nước trong FTA đến đâu trên thực tế.

Trong khuôn khổ đàm phán TPP, đàm phán về quy tắc xuất xứ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, kết quả của đàm phán này sẽ quyết định các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam có được lợi ích thực sự từ TPP hay không và có thực sự đáng để Việt Nam phải đánh đổi bằng cam kết mở cửa thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các đối tác hay không.

2.      Tại sao cần quan tâm tới quy tắc xuất xứ trong các FTA đã ký của Hoa Kỳ?

Là đối tác lớn nhất (về quy mô thương mại) trong TPP, Hoa Kỳ có tiếng nói đáng kể trong đàm phán. Thông tin từ nhiều nguồn cho thấy nước này thường đưa ra những yêu cầu về các vấn đề trong đàm phán TPP trên cơ sở nội dung các FTA mà nước này đã ký kết.

Vì vậy, tìm hiểu về quy tắc xuất xứ trong các FTA đã ký của Hoa Kỳ là cơ sở để doanh nghiệp có thể mường tượng ra đòi hỏi về quy tắc xuất xứ trong TPP của Hoa Kỳ, từ đó có thể:

-          Vận động Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam đấu tranh cho quy tắc xuất xứ phù hợp với lợi ích của mình, và/hoặc

-          Chuẩn bị trước cho việc tận dụng các cơ hội từ việc loại bỏ thuế quan của Hoa Kỳ, nếu có.

3.      Các phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa trong các FTA của Hoa Kỳ

Mỗi FTA của Hoa Kỳ với các đối tác có quy định riêng về xuất xứ (tùy thuộc kết quả đàm phán). Tuy nhiên, nhìn chung, trong các FTA của Hoa Kỳ, hàng hóa được xem “có xuất xứ” (để hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA) nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

A.    Nhóm đương nhiên “có xuất xứ”

(i)     Tiêu chí xuất xứ nội địa hoàn toàn

Hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được chế tác hoặc tạo ra hoàn toàn trên lãnh thổ của một hay các nước thành viên FTA đó (sau đây gọi là các “Bên”)

Ví dụ: Các trường hợp sau đây được xem là “có xuất xứ” và được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ (sau khi TPP được ký và có hiệu lực):

§  Rau quả được trồng và thu hoạch trong lãnh thổ của Việt Nam

§  Động vật sống được sinh ra và nuôi trong lãnh thổ Việt Nam

§  Cá, tôm, cua, sò… được khai thác từ vùng biển ngoài lãnh thổ của các Bên bằng tàu được đăng ký tại một bên và mang cờ của bên đó.

(ii)   Tiêu chí xuất xứ nội vùng (xuất xứ trong nội bộ các nước thành viên của FTA)

Hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều Bên bằng các nguyên liệu “có xuất xứ” từ một hoặc nhiều Bên cùng là thành viên của FTA đó.

Ví dụ:

Một chiếc nơ cổ sản xuất tại Việt Nam, từ lụa có xuất xứ từ Malaysia, với thuốc nhuộm có xuất xứ từ Peru, dùng chỉ khâu có xuất xứ từ Chi-lê (tất cả các nước này đều là thành viên của TPP) thì được xem là “có xuất xứ” theo TPP khi xuất sang Hoa Kỳ (và do đó được hưởng mức thuế ưu đãi theo TPP).

B.     Nhóm “có xuất xứ” thông qua các phương pháp tính toán

(i)     Tiêu chí chuyển đổi dòng thuế (Tariff-shift)

Hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều Bên và có sự chuyển đổi dòng thuế (sự khác biệt về mã HS) giữa nguyên liệu “không xuất xứ” (nguyên liệu nhập khẩu từ một nước không phải một Bên của FTA đó) và thành phẩm xuất khẩu.

Theo các FTA đã ký của Hoa Kỳ thì tiêu chí chuyển đổi dòng thuế này không phải là tiêu chí áp dụng chung và tuyệt đối, tức là không phải bất kỳ khi nào có sự khác biệt về mã HS giữa hàng hóa và nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó thì đều được xem là thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ. Mỗi FTA của Hoa Kỳ đều có các Phụ lục rất dài quy định về tiêu chí chuyển đổi dòng thuế áp dụng đối với từng loại hàng hóa.

Ví dụ:

Giả sử một Quy tắc xuất xứ TPP nêu: “Chuyển đổi sang các mục từ 19.02 đến 19.05 từ bất kỳ Chương nào”

("A change to heading 19.02 through 19.05 from any other chapter.")

Với quy tắc này, hàng hóa có mã HS từ 19.02 đến 19.05 được xem là “có xuất xứ” nếu được sản xuất từ nguyên liệu có mã HS nằm ngoài Chương 19. 

Giả thiết 1: Hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ là bánh bích quy (có mã HS 1905.90) được sản xuất tại Việt Nam từ bột mỳ củaTrung Quốc (bột mỳ có mã HS thuộc Chương 11), tất cả các nguyên liệu còn lại đều là nguyên liệu trong nước (xuất xứ Việt Nam).

Khi đó bánh bích quy xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được xem là “có xuất xứ” (originating) và được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Lý do là theo quy tắc xuất xứ ở trên thì đối với tất cả các sản phẩm nằm trong mã HS 19.05, để được xem là “có xuất xứ” và hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP thì tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ nội khối (tức là không có xuất xứ từ bất kỳ nước thành viên TPP nào) phải nằm trong một Chương HS khác không phải là Chương 19. Trong ví dụ này, nguyên liệu bột mỳ là của Trung Quốc, tức là không có xuất xứ nội khối (Trung Quốc không phải thành viên TPP), và bột mỳ thuộc Chương 11, tức là nằm ngoài Chương 19, và do đó đáp ứng yêu cầu về xuất xứ theo quy định nói trên.

Giả thiết 2: Hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ là bánh bích quy (có mã HS 1905.90) được sản xuất tại Việt Nam từ bột trộn của Trung Quốc (bột trộn có mã HS 1901.20), tất cả các nguyên liệu còn lại đều là nguyên liệu trong nước (xuất xứ Việt Nam).

Khi đó bánh bích quy xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được xem là “không có xuất xứ” (non-originating) và không được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Lý do là trong ví dụ này, nguyên liệu bột trộn là của Trung Quốc, tức là không có xuất xứ nội khối, và bột trộn thuộc Chương 19, tức là nằm cùng Chương mã HS với bánh bích quy, và do đó không đáp ứng yêu cầu về xuất xứ theo quy định nói trên.

Lưu ý

Theo ngôn ngữ của Hoa Kỳ thì:

- Chương (Chapter): Thể hiện ở 02 số đầu trong dãy mã số HS

- Mục (Heading): Thể hiện ở02 số tiếp theo trong dãy mã số HS

-Tiểu mục (Subheading): Thể hiện ở 02 số thứ ba trong dãy mã số HS

(ii)   Tiêu chí hàm lượng nội địa (Regional Value Content – RVC)

Hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều Bên và hàng hóa đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giá trị nội địa áp dụng cho loại hàng hóa đó.

Tiêu chí này ít được sử dụng một cách độc lập/riêng trong các FTA của Hoa Kỳ (thường là kết hợp với tiêu chí chuyển đổi dòng thuế) và nếu được sử dụng riêng thì chỉ áp dụng cụ thể cho loại hàng hóa cụ thể được nêu rõ trong FTA.

Có hai cách để xác định RVC trong các quy tắc xuất xứ sử dụng RVC (trường hợp nào sử dụng cách nào cũng đều được quy định rõ trong quy tắc xuất xứ liên quan), bao gồm:

-          Tính hàm lượng kiểu build-up (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “có xuất xứ” từ các nước thành viên của FTA đó).

RVC = VOM/AV x 100

- Tính hàm lượng kiểu build-down (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “không có xuất xứ” từ các nước thành viên của FTA đó).

RVC = (AV-VNM)/AV x 100

Trong đó:

RVC = Hàm lượnggiá trị nội địa (tính theo %) 

AV (adjusted value) = Trị giá hàng hóa (đã được điều chỉnh) 

Giá hàng hóa được điều chỉnh để không tính chi phí vận chuyển quốc tế và các lệ phí liên quan (chỉ tính giá FOB).

•                   VOM (value of originating materials) = Trị giá phầnnguyên liệu “có xuất xứ” sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó 

•                   VNM (value of non-originating materials) = Trị giá phần nguyên liệu “không có xuất xứ” sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó (VNM không bao hàm giá trị nguyên liệu tự sản xuất)

Một ví dụ về kiểu quy định xuất xứ chỉ dựa trên RVC trong một FTA của Hoa Kỳ:

Quy định:

“Đối với hàng hóa thuộc các tiểu mục từ 7324.10 đến 7324.29:

Không yêu cầu phải có sự chuyển đổi dòng thuế với điều kiện là trị giá hàm lượng nội địa không được thấp hơn:

(a)            35% nếu sử dụng phương pháp tính hàm lượng kiểu build-up;

(b)            45% nếu sử dụng phương pháp tính hàm lượng kiểu build-down.

Giải nghĩa:

Với quy tắc này, hàng hóa có mã HS từ 7324.10 đến 7324.29 được xem là “có xuất xứ” nếu hàng hóa đó được sản xuất từ các nguyên liệuthỏa mãn điều kiện trị giá nội địa/vùng không thấp hơn:

(a)    35% nếu sử dụng phương pháp build-up;

(b)   45% nếu sử dụng phương pháp build-down.

(Xem ví dụ cụ thể về phương pháp này trong mục (iii) dưới đây)

(iii) Tiêu chí kết hợp giữa chuyển đổi dòng thuế (tariff-shift) và giá trị hàm lượng nội địa (RVC)

Hàng hóa được xác định là có xuất xứ trên cơ sở kết hợp cả 2 tiêu chí “chuyển đổi dòng thuế” và “giá trị hàm lượng nội địa”.

Ví dụ:

Giả sử một quy tắc xuất xứ của TPP quy định:

“Chuyển đổi sang các tiểu mục từ 9403.10 đến 9403.80 từ bất kỳ mục nào khác; hoặc

Chuyển đổi sang các tiểu mục từ 9403.10 đến 9403.80 từ bất kỳ tiểu mục nào khác, với điều kiện hàm lượng trị giá nội địa không thấp hơn:

(a)   35% nếu sử dụng phương pháp tính hàm lượng kiểu build-up;hoặc

(b)   45% nếu sử dụng phương pháp tính hàm lượng kiểu build-down.” 

("A change to subheading 9403.10 through 9403.80 from any other heading; or

A change to subheading 9403.10 through 9403.80 from any other subheading, provided there is a regional value content of not less than
(a) 35 percent based on the build-up method, or
(b) 45 percent based on the build-down method.")

Với quy tắc này, hàng hóa có mã HS từ 9403.10 đến 9403.80 được xem là “có xuất xứ” nếu hàng hóa đó:

(a)    được sản xuất từ nguyên liệu có mã HS nằm ngoài mục 9403; hoặc

(b)   được sản xuất từ nguyên liệu có mã HS nằm trong mục 9403 nhưng ngoài khoảng 9403.10 đến 9403.80 và thỏa mãn điều kiện trị giá nội địa/vùng không thấp hơn:

-                      35% nếu sử dụng phương pháp build-up;

-                      45% nếu sử dụng phương pháp build-down.

Giả thiết: Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi Hoa Kỳ là đồ gỗ nội thất A (có mã HS 9403.50) vớinguyên liệu (mã HS 9403.90) nhập khẩu từ Lào và một số nguyên liệu nội địa Việt Nam và Singapore (biết rằng Lào không phải thành viên TPP, Việt Nam và Singpore là thành viên TPP). Trị giá (giá FOB) của đồ gỗ đó là 1000$ và phần gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào phục vụ cho việc sản xuất ra đồ gỗ đó là 700$; gỗ trong nước là 100$; sơn phủ nhập khẩu từ Singapore là 150$.

Áp dụng: Khi đó hàng đồ gỗ A xuất vào Hoa Kỳ sẽ được xem là “không có xuất xứ” (originating) và được không hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP vì:

-          Ở điều kiện lựa chọn thứ nhất (chuyển đổi sang các tiểu mục từ 9403.10 đến 9403.80 từ bất kỳ mục nào khác) mặt hàng A không đáp ứng được điều kiện “có xuất xứ” do nguyên liệu và thành phẩm thuộc cùng mục 9403 (và vì vậy không có sự chuyển đổi dòng thuế như quy định);

-          Ở điều kiện lựa chọn thứ hai (chuyển đổi sang các tiểu mục từ 9403.10 đến 9403.80 từ bất kỳ tiểu mục nào khác, với điều kiện hàm lượng trị giá nội địa không thấp hơn…) mặt hàng A dù đáp ứng được điều kiện chuyển đổi dòng thuế (chuyển đổi từ một tiểu mục khác nằm trong nhóm) nhưng không đáp ứng được yêu cầu về hàm lượng trị giá nội địa:

+ Theo phương pháp build-up:

Hàm lượng giá trị nội địa/nội vùng (RVC) = (100$ + 150$)x 100/$1000 = 25% (do đó không đáp ứng được yêu cầu “không dưới 35%”);

+ Theo phương pháp build-down:

Hàm lượng giá trị nội địa (RVC) = ($1000-$700)x 100/$1000 = 30% (do đó không đáp ứng được yêu cầu “dưới 45%”).

(iv)  Các tiêu chí khác

Ngoài những tiêu chí được sử dụng phổ biến trong nhiều FTA của Hoa Kỳ nói trên, một số FTA có quy định những phương pháp đơn lẻ khác. Ví dụ:

-          Phương pháp “mức tối thiểu” (de minimis): Dù không đáp ứng tiêu chí “có xuất xứ” theo bất kỳ phương pháp nào, hàng hóa vẫn có thể được xem là “có xuất xứ” nếu tổng trị giá nguyên liệu “không xuất xứ” chiếm không quá một tỷ lệ nhất định (ví dụ 10% theo FTA Hoa Kỳ - Australia);

-          Phương pháp “chi phí tịnh” (net cost): Phương pháp này được sử dụng trong FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc, áp dụng riêng đối với sản phẩm ô tô.

4.      Quy trình thông quan hàng hóa tại Hoa Kỳ

4.1.   Quy trình chung

Việc thông quan hàng hóa khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được thực hiện theo 02 giai đoạn cơ bản, bao gồm:

(i)     Thủ tục giải tỏa hàng hóa:

–        Nhà nhập khẩu phải nộp toàn bộ các tài liệu cần thiết về hàng hóa trong vòng 15 ngày kể từ khi:

+ hàng hóa được dỡ xuống đất liền từ tàu biển, máy bay hay phương tiện vận chuyển;

+ nhận được giấy phép chuyển hàng; hoặc

+ hàng đến cảng tiếp nhận (trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển ngoại quan).

–        CBP (Cục Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ) tiến hành xem xét lại tài liệu;

–        CBP tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa trừ các trường hợp được CBP quyết định không cần kiểm tra (CBP có 5 ngày làm việc tính từ ngày kiểm tra để quyết định giải tỏa hàng hóa, tịch thu hoặc tạm giữ hàng hóa);

–        Giải tỏa hàng, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm

(Trong một số trường hợp, CBP cho giải tỏa hàng hóa theo diện “giải tỏa có điều kiện” khi chưa có quyết định giải tỏa hàng chính thức – trong các trường hợp này, nhà nhập khẩu phải cam kết trả lại hàng cho CBP khi có yêu cầu và nếu không thực hiện sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định).

(i)     Thủ tục xác định mức thuế quan

–        Được CBP thực hiện 10 ngày sau khi hàng hóa được giải tỏa.

–        Các bên liên quan phải trình các tài liệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa nếu yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan (trình bày chi tiết dưới đây).

–        Nhà nhập khẩu thực hiện ký quỹ khoản thuế mà CBP ước tính.

–        Sau đó CBP sẽ gửi quyết định cuối cùng về mức thuế chính thức cho nhà nhập khẩu/chủ hàng.

4.2.   Về thủ tục yêu cầu hưởng chế độ ưu đãi thuế quan

Nguyên tắc chung:

Các FTA gần đây của Hoa Kỳ tiếp cận theo hướng lấy nhà nhập khẩu là trung tâm (thay vì phía xuất khẩu là trung tâm như các hệ thống áp dụng phổ biến hiện nay ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam hiện nay).

Cụ thể, nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục, quy trình và giấy tờ để hàng hóa được ghi nhận là “có xuất xứ” và được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA, bao gồm:

-          Tự phát hành chứng nhận xuất xứ;

-          Lưu giữ các giấy tờ chứng minh xuất xứ của hàng hóa;

-          Thực hiện các thủ tục liên quan đến ưu đãi thuế quan.

Yêu cầu hưởng Chế độ Ưu đãi Thuế quan  

Nhà nhập khẩu làm đơn xin hưởng ưu đãi thuế quan dựa trên:

-          Giấy (hoặc bản điện tử) Chứng nhận Xuất xứdo Nhà nhập khẩu, Nhà xuất khẩu hoặc Nhà sản xuất tự phát hành; hoặc

-          Bản ghi nhận của Nhà nhập khẩu về việc hàng hóa “có xuất xứ” (dựa một cách hợp lý vào các thông tin mà Nhà nhập khẩu có được rằng hàng hóa có xuất xứ).

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các FTA của Hoa Kỳ

Đơn vị phát hành:

Nhà nhập khẩu hoặc Nhà xuất khẩu/sản xuất tự phát hành và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin liên quan.

(Không phải do Chính phủ hay bất kỳ cơ quan/tổ chức nào khác cấp)

Nội dung bắt buộc (không cần theo mẫu)

-          Tên người xác nhận

-          Nhà nhập khẩu

-          Nhà xuất khẩu

-          Nhà sản xuất

-          Phân loại thuế quan và mô tả hàng hóa

-          Thông tin chứng minh hàng hóa có xuất xứ

-          Ngày chứng nhận

-          Thời hạn của chứng nhận chung (blanket certification)

Phân loại chứng nhận xuất xứ:

-          Loại nhập khẩu một lần (Single Entry): áp dụng cho một lô hàng duy nhất
.-          Loại chứng nhận chung (Blanket Certifications): áp dụng cho nhiều lô hàng vận chuyển của cùng một loại hàng hóa.

Trách nhiệm lưu trữ: 

Người phát hành Giấy chứng nhận xuất xứ (hoặc Bản ghi nhận) có nghĩa vụ phải lưu giữ, ít nhất là 5 năm kể từ ngày phát hành Giấy Chứng nhận tất cả các hồ sơ cần thiết để chứng minh hàng hóa là “có xuất xứ”, bao gồm:

-          Thông tin về mua bán, chi phí, và thông tin về định giá của hàng hóa

-          Thông tin về mua bán, chi phí và thông tin về định giá của các nguyên liệu sử dụng trong hàng hóa

-          Các hồ sơ liên quan đến sản xuất hàng hóa được thể hiện dưới biểu mẫu giống như khi hàng hóa được xuất khẩu.

Xác minh xuất xứ hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu

Các hình thức xác minh:

Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu có thể thực hiện việc xác minh xuất xứ hàng hóa thông qua việc:

-          Gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin

-          Gửi Bản điều tra

-          Gửi các yêu cầu đối với Nhà nhập khẩu để thu xếp cho nhà sản xuất/nhà xuất khẩu cung cấp thông tin trực tiếp cho Bên thực hiện việc xác minh.

-          Điều tra thực địa

Kết luận sau khi xác minh:

Sau khi tiến hành xác minh xuất xứ hàng hóa, Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu sẽ ra quyết định cuối cùng bằng văn bản về việc hàng hóa bị xác minh là “có xuất xứ” hay không:

-          Trước khi có quyết định chính thức, cơ quan này sẽ gửi tới Nhà nhập khẩu dự thảo quyết định sẽ ban hành (trong đó có các phát hiện thực tế và cơ sở pháp lý cho quyết định đó) để nhà nhập khẩu bình luận;

-          Trường hợp nhà xuất khẩu/sản xuất từ chối cung cấp thông tin hoặc không đồng ý cho xác minh thực địa, Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu có thể ra quyết định kết luận hàng hóa “không có xuất xứ” phù hợp.

Thực tế

Theo báo cáo của phía Hoa Kỳ thì trên thực tế việc xác minh này được tiến hành không thường xuyên, chỉ với một số ít các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ hoặc đối với những mặt hàng nhạy cảm (ví dụ dệt may).

5.   So sánh về Quy tắc xuất xứ trong các FTA của Hoa Kỳ với các nước khác

- Quy tắc xuất xứ trong FTA Hoa Kỳ - Australia

- Quy tắc xuất xứ trong FTA Hoa Kỳ - Chile

- Quy tắc xuất xứ trong FTA Hoa Kỳ - Hàn Quốc

- Quy tắc xuất xứ trong FTA Hoa Kỳ - Peru

- Quy tắc xuất xứ trong FTA Hoa Kỳ - Singapore

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Một số yếu tố pháp lý khi làm ăn với đối tác Hoa Kỳ

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024