tin kinh te

Năng suất lao động của Lào, Myanmar có thể vượt Việt Nam

(The gioi)

Nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, nếu giả định cùng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như hiện nay của các nước trong khu vực thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới có thể xóa bỏ cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines, với Thái Lan là 50 năm.

 

Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 11/9, TS Hồ Đình Bảo, thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam là rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2012 năng suất thấp hơn so với Singapore 18 lần, Hàn Quốc 11 lần, Malaysia 7 lần, Thái Lan 3 lần, Trung Quốc 3 lần và chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia.

“Nếu năng suất lao động của các nước đứng yên thì cũng phải mất 12 năm nữa mới bắt kịp Indonesia, Philippines, cần 20 năm để bắt kịp Thái Lan. Nhưng người ta lại không đứng yên được” – ông Bảo nói.

TS Hồ Đình Bảo cũng cho biết nếu giả định cùng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như hiện nay của các nước trong khu vực thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới có thể xóa bỏ cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines, với Thái Lan là 50 năm.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng khoa nông nghiệp, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam từ 1985-2011 đều ở mức thấp nhất, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

"Trong giai đoạn đầu thế kỉ 21, tăng trưởng chung của nông nghiệp Việt Nam đang giảm. Trong tính toán của World Bank, nông nghiệp có năng suất lao động lúc nào cũng thấp nhất và tốc độ tăng trưởng tăng năng suất lao động cũng thấp, làm cho thu nhập của nông nghiệp tụt hậu so với toàn bộ nền kinh tế. 

“Đầu tư cho nông nghiệp bị giảm đi, đôi lúc có cảm giác nền kinh tế Việt Nam vẫn theo xu hướng bòn rút từ nông nghiệp chứ không phải đầu tư cho nông nghiệp” – bà Nguyễn Thị Minh nói.

Theo bà Minh, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng chưa khai thác được từ nông nghiệp. Hiện nay giá trị gia tăng của nông nghiệp rất thấp do thiếu khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất kém.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam đồng tình với kết quả của nhóm nghiên cứu. “Lào trong mấy năm liên tục năng suất lao động vẫn bám sát Việt Nam. Myanmar trước đây năng suất lao động bằng 0,6 lần Việt Nam, tịnh tiến dần qua các năm và năm 2014 bằng 0,9 lần của Việt Nam. Thời gian tới khéo lại vượt qua cả Việt Nam”.

Một đại biểu của Viện khoa học xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng một trong những lí do khiến năng suất lao động thấp là do trình độ lao động qua đào tạo thấp, chỉ 18-20%. Cho nên tiếp nhận, tối ưu hóa công nghệ là thấp. 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024