tin kinh te

Thỏa thuận tháo ngòi căng thẳng liên Triều - hàng dễ vỡ

(Tin kinh te)

Bàn về bản thỏa thuận tháo gỡ căng thẳng được thống nhất hôm qua giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, một chuyên gia nhận xét nó giống như một chiếc hộp giấy ghi dòng chữ 'hàng dễ vỡ', có thể đổ bể bất cứ lúc nào.

dai dien trieu tien - han quoc trong cuoc dam phan thao ngoi cang thang o lang dinh chien panmunjom hom qua. anh: reuters

Đại diện Triều Tiên - Hàn Quốc trong cuộc đàm phán tháo ngòi căng thẳng ở làng đình chiến Panmunjom hôm qua. Ảnh: Reuters

 

Thỏa thuận được thống nhất hôm qua đã chấm dứt căng thẳng suốt gần một tuần giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nó đồng thời cho thấy bản chất của mối quan hệ hai miền: dù đối đầu nhưng họ vẫn có thể ngồi vào bàn đàm phán vì lợi ích của chính mình, theo New York Times.

Thái độ thù địch giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng được thể hiện rõ ràng hơn sau vụ đấu pháo qua biên giới hôm 20/8. Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên miêu tả Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cùng các quan chức quân đội nước này là những "kẻ cuồng chiến tranh". Còn bà Park gọi những chính sách của ông Kim Jong-un là "ảo tưởng".

Giới chuyên gia nhận định, mỗi người đều có lý do chính trị riêng khi thể hiện sự cứng rắn của mình. Chính vì thế, tình thế đối đầu mới nhanh chóng leo thang và bị đẩy đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang. Nhưng, mỗi lãnh đạo cũng có những động cơ khác nhau khi muốn thể hiện mình như một chính trị gia có tài thao lược và kiểm soát tình hình. Vậy nên, một bản thỏa thuận được đưa ra.

Khởi đầu hứa hẹn

"Cả hai nhà lãnh đạo sẽ giải thích bản thỏa thuận vừa được thông qua theo những cách rất khác nhau và cùng khẳng định mình là bên giành thắng lợi", Yang Moo-jin, nhà phân tích tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, bình luận. "Bà Park Geun-hye nói sự kiên nhẫn và phương pháp tiếp cận có nguyên tắc của bà đối với Triều Tiên cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Ông Kim Jong-un sẽ không ngần ngại tuyên bố rằng sáng kiến táo bạo của ông đã buộc Hàn Quốc phải đàm phán".

Giới quan sát cho rằng bản thỏa thuận ít nhất sẽ mở ra cơ hội để mối quan hệ Hàn - Triều phát triển lên một cấp độ mới. "Thỏa thuận này thực sự là một bước ngoặt với hai miền Triều Tiên", John Delury, giáo sư lịch sử tại Đại học Yonsei ở Seoul, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Triều Tiên, nhận xét. "Đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn".

Seoul hôm qua giữ lời khi ngừng chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh dọc biên giới. Bình Nhưỡng từng chỉ trích chiến dịch tuyên truyền này là sự xúc phạm nghiêm trọng đến "phẩm giá tối cao" của ông Kim.

Đổi lại, Triều Tiên cũng xóa bỏ tình trạng "cận kề chiến tranh" và cho biết "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn hồi đầu tháng ở khu phi quân sự (DMZ) khiến hai lính Hàn Quốc bị thương, đồng thời hứa hẹn những hành động khiêu khích sẽ không tái diễn. Ngôn từ phía Triều Tiên sử dụng khiến người nghe có cảm giác nó không giống một lời xin lỗi như yêu cầu ban đầu của Hàn Quốc. Song, Seoul cho rằng như vậy là đủ.

Hai miền Triều Tiên còn đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức đối thoại Hội Chữ thập đỏ vào đầu tháng 9 để sắp xếp cho các gia đình ly tán gặp gỡ nhau kể từ sau khi chia cắt từ những năm 1950 - 1953.

Cùng thắng

Hàn Quốc và Triều Tiên về kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc xung đột xảy ra hơn nửa thế kỷ trước kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. Nhưng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai miền đặc biệt trở nên nóng hơn dưới thời hai lãnh đạo đương nhiệm, theo bình luận viên Choe Sang-hun.

Dưới thời ông Kim, Triều Tiên liên tục thực hiện những động thái khiêu khích quân sự nhằm vào Hàn Quốc. Tháng 12/2012, Bình Nhưỡng phóng thành công một tên lửa tầm xa. Tháng 2/2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, vài tuần trước khi bà Park tuyên thệ nhậm chức. Khi Liên Hợp Quốc phản ứng lại hành động này bằng cách áp thêm trừng phạt đối với Triều Tiên, chính quyền ông Kim dọa sẽ tiêu diệt Hàn Quốc bằng một "đòn hủy diệt hạt nhân". Hàn Quốc đáp trả với tuyên bố "xóa sổ Triều Tiên khỏi Trái Đất".

Theo NY Times, sự kiên quyết trong lời nói và cử chỉ của Tổng thống Park trước vụ việc lần này giúp bà tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo không hề nao núng trước sức ép từ Bình Nhưỡng và đem về cho bà sự ủng hộ từ những thành phần bảo thủ ở Hàn Quốc. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Park gia tăng đáng kể trong gần một tuần xảy ra căng thẳng với Triều Tiên, dù trước đó, chính phủ của bà phải nhận nhiều lời chỉ trích khi lúng túng trong công tác xử lý thảm họa chìm phá Sewol hồi năm ngoái, cũng như dịch cúm MERS vừa qua.

Khi áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh", bà Park sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thực hiện được những gì mà mình từng hứa, đó là xây dựng niềm tin với Triều Tiên và hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự thống nhất hai miền, ông Delury đánh giá. Thỏa thuận đạt được hôm qua có thể chính là "át chủ bài" giúp bà Park hiện thực hóa kế hoạch của mình.

Mặt khác, cuộc đàm phán cũng là bài kiểm tra dành cho ông Kim Jong-un, người tiếp quản vị trí lãnh đạo Triều Tiên từ cha mình từ cuối năm 2011. Ông Kim đến nay vẫn chưa thể thực hiện lời hứa thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn trước áp lực từ những lệnh trừng phạt và phong tỏa của quốc tế.

Các chuyên gia phân tích nhận định thành công của thỏa thuận cho thấy dù trẻ tuổi nhưng ông Kim vẫn đủ khả năng chủ trì một cuộc đàm phàn phức tạp với Seoul. Theo một số quan chức Hàn Quốc, cuộc đối thoại tại làng đình chiến Panmunjom, sở dĩ phải kéo dài suốt nhiều ngày là bởi các nhà đàm phán Triều Tiên, dù là những lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước, vẫn thường xuyên phải rời phòng họp để tham vấn với Bình Nhưỡng.

"Nếu bạn tận mắt thấy cuộc thảo luận diễn ra như thế nào thì bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về việc ông Kim Jong-un đã tính toán kỹ lưỡng ra sao", ông Yang nói.

Cách dùng từ "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn cũng có thể được giải thích trước công chúng Triều Tiên rằng đó là một cử chỉ thể hiện sự cảm thông hơn là một hành động nhận trách nhiệm, giới phân tích đánh giá.

"Tôi thậm chí còn hoài nghi liệu Triều Tiên có thực sự quan tâm đến dàn loa phóng thanh của Hàn Quốc hay không. Tác động của chúng vẫn chưa được chứng minh", ông Kim Dong-yup, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói. Thể hiện sự giận dữ thái quá trước hành động này nhiều khả năng là một cách để Triều Tiên "kích động và lôi kéo Hàn Quốc vào một cuộc thương thảo", ông cho biết thêm.

Theo một số nhà phê bình, từ "lấy làm tiếc" mang tính chất thỏa hiệp mà Triều Tiên đưa ra cũng có thể coi là một thành công đối với bà Park bởi nó góp phần làm chệch hướng những lời chỉ trích, cho rằng lập trường cứng rắn của bà là nguyên nhân khiến Triều Tiên ngày càng lấn lướt. Thỏa thuận này cũng sẽ xóa tan hình ảnh "một nhà lãnh đạo bàn giấy" mà bà Park từng bị gán ghép, ông Lee Byong-chul, thành viên cấp cao tại Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, nhận xét.

Nguy cơ đổ vỡ

Tổng thống Park hôm qua cho hay thỏa thuận đạt được là nhờ chính phủ của bà duy trì "nguyên tắc nhất quán trong việc đối phó với hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên nhưng vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại".

Các nhà phân tích cho rằng Seoul khá khôn khéo khi hứa ngừng chương trình truyền thanh chống Bình Nhưỡng dọc biên giới, trừ khi "có tình huống bất thường". Nhà chức trách Hàn Quốc nói động thái này sẽ khiến Triều Tiên hạn chế hành vi khiêu khích. Song, dường như đôi bên có những định nghĩa rất khác nhau về "tình huống bất thường", theo NYTimes. Sự bất đồng này là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự đổ vỡ của bản thỏa thuận.

Tinh thần sẵn sàng xây dựng lòng tin và hợp tác của hai miền Triều Tiên sẽ được thử thách trong những lần đối thoại dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Trong quá khứ, sau khi đạt đến những gì được nhìn nhận như bước đột phá, Seoul và Bình Nhưỡng thông thường sẽ lại quay về thế bế tắc."Bản thỏa thuận này giống như một chiếc hộp giấy ghi dòng chữ 'hàng dễ vỡ' vậy", ông Lee so sánh. "Nếu không cẩn thận, có thể đổ bể bất cứ lúc nào".

korean1-1-3400-1440587510.jpgtuong quan luc luong hai mien trieu tien (chi tiet). do hoa: viet chung

Korean1-1-3400-1440587510.jpgTương quan lực lượng hai miền Triều Tiên (chi tiết). Đồ họa: Việt Chung

(Theo Vnexpress)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Ông Kim Jong-un "cứng trước, mềm sau"

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024