tin kinh te

Phiên tòa ngày 9/8: Tiền để tăng vốn điều lệ của VNCB chủ yếu vay từ BIDV

(Phap luat)

Tiền để tăng vốn điều lệ của VNCB chủ yếu vay từ BIDV

  • 11:2209/08/2016

    HĐXX mời luật sư Trương Vũ Hoè (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Công Danh). Luật sư Hoè hỏi bị cáo Phan Thành Mai.

    -Bị cáo Phan Thành Mai cho HĐXX biết khoản tiền 4.500 tỷ để nộp vào NHNN tăng vốn điều lệ cho VNCB được vay từ đâu?

    -Kính thưa HĐXX, tiền mà các cổ đông góp vốn để tăng vốn điều lệ được chuyển vào tài khoản phong toả tại Ngân hàng Phát triển Nông thôn để dùng tăng vốn điều lệ theo phương án phát hành cổ phần theo quy định của UBCKNN thì nguồn tiền được xuất phát đa phần từ vốn vay BIDV. Chi tiết có trong kết luận của cơ quan điều tra.

    -Sau khi chấm dứt và được phê duyệt đề án tái cơ cấu VNCB thì 4.500 tỷ này được NHNN trả về cho VNCB hay giữ lại?

    -Sau khi đủ tiền 4.500 tỷ vào tài khoản phong toả thì ngân hàng có văn bản gửi NHNN và NHNN có một đoàn thanh tra về nguồn tiền hợp pháp của cổ đông. Hiện nay vẫn chưa có kết luận như thế nào.

    -Bị cáo cho biết quan điểm của VNCB về khoản 4.500 tỷ này, nó là dòng tiền nào. (HĐXX làm rõ câu hỏi của luật sư) Bị cáo cho biết tình trạng của khoản tiền này?

    -Bị cáo đã trình bày việc này. Khoản tiền này đã được hoà chung vào toàn bộ hệ thống của VNCB tại thời điểm tháng 1/2014 và được sử dụng chung cho hoạt động chung của ngân hàng. 

    -Trước đây bị cáo cho biết rằng khoản tiền này NHNN đang giữ ở quỹ dự phòng rủi ro, đúng không?

    -Thưa chắc luật sư đã nghe nhầm, đây là 2 nội dung khác nhau. Dòng tiền 4.500 tỷ không bị NHNN giữ mà hoà chung vào dòng tiền VNCB.

    -Khoản 4.500 tỷ này là vay của BIDV thì việc trả nợ cho món nợ này thế nào?

    -Có hàng loạt khoản vay liên quan 12 công ty và cho hoạt động cung ứng vật liệu xây dựng trong đó có mục đích tăng trưởng tín dụng 10.000 tỷ và đã dùng để trả lãi BIDV khoảng 2.600 tỷ.

    -Tức theo cáo trạng dòng tiền 12 doanh nghiệp vay trong món tiền 4.700 tỷ đã trả được cho BIDV khoảng 2.600 tỷ đúng không?

    -4.700 tỷ đã trả cho BIDV 2.600 tỷ, còn 2.100 tỷ được dùng vào đâu?

    -Bị cáo không nhớ chi tiết nhưng trong kết luận điều tra có. Theo bị cáo nhớ thì nó liên quan đến dòng tiền bảo lãnh cho các khoản vay của VNCB tại BIDV.

    -Như vậy theo bị cáo thì số tiền 2.500 tỷ này là ngân hàng sử dụng và tài sản đảm bảo là 2.600 tỷ (theo kết quả định giá đã được HĐXX đồng ý) thì theo bị cáo số tiền này có đủ để cân đối với số tài sản định giá không?

    -Trong các khoản vay vật liệu xây dựng được dùng tài sản sân vận động Chi Lăng và Trường Chinh làm tài sản đảm bảo với khoản vay 4.700 tỷ. Trước đây bị cáo đề xuất mong HĐXX xem xét lại định giá này vì nhiều NHTM trong đó có BIDV hiện đang định giá lô đất này 90-100 triệu/m2. Còn nếu xét trên phương pháp định giá dòng tiền tương lai thì giá trị cao hơn rất nhiều. 

    -Theo bị cáo thì giá trị khu đất cao hơn 2.600 tỷ đúng không?

    -Thưa đúng.

    -Tức việc truy tố bị cáo hành vi gây thất thoát là không xảy ra đúng không?

    -Theo bị cáo thì đủ để cân đối.

  • Bị cáo Phan Tuấn Anh nói không quen biết giám đốc nào trong các công ty "ma" của ông Danh
  • 10:2709/08/2016

    Luật sư bào chữa cho Phan Tuấn Anh (Quyền trưởng phòng tín dụng VNCB Hội sở chính) hỏi bị cáo. 

    Bị cáo Phan Tuấn Anh cho rằng việc bổ nhiệm chức danh quyền trường phòng tín dụng hội sở là đúng quy trình. Khi hồ sơ từ chi nhánh gửi lên thì phòng tín dụng hội sở phải kiểm tra chứng từ. Bị cáo Phan Tuấn Anh cho biết không quen biết giám đốc công ty nào trong số các doanh nghiệp "ma" do ông Danh lập ra trước đó. Ông Tuấn Anh cũng không nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo nào, làm theo chức năng nhiệm vụ được giao.

    Luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước

    -Quy định 1000 của NHNN và quy đinh 52 của VNCB có phải văn bản quy phạm pháp luật không?

    -Đại diện NHNN yêu cầu đọc rõ nội dung quy định. Theo đại diện NHNN thì văn bản của VNCB thì VNCB phải đảm bảo đúng luật pháp.

    -Chị cho HĐXX biết các quyết định của các tổ chức tín dụng nói riêng và của VNCB nói riêng có được Thống đốc NHNN thông qua không?

    -Như tôi đã nói thì các văn bản dưới luật của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo đúng quy định của luật pháp.

  • Vợ ông Danh giữ 20% cổ phần Tập đoàn Thiên Thanh
  • 09:4009/08/2016

    HĐXX mời bà Quách Kim Chi - vợ ông Phạm Công Danh

    -Vốn điều lệ của Thiên Thanh bao nhiêu?

    -1.000 tỷ ạ

    -Thiên Thanh bao nhiêu lần thay đổi đăng ký kinh doanh rồi?

    -2 lần. Năm 2000 thành lập công ty và sau đó thành lập tập đoàn. Lúc thành lập vốn điều lệ 500 tỷ.

    -Mô hình Thiên Thanh là Công ty TNHH thì có bao nhiêu thành viên?

    -2 thành viên, tôi và bị cáo Phạm Công Danh.

    -Bà góp bao nhiêu vốn?

    -Tôi nắm giữ 20% tương đương 200 tỷ.

    -Bà đã nộp tiền cho các khoản góp vốn chưa?

    -Vợ chồng tôi làm chung từ hồi làm cửa hàng. Khi thành lập công ty thì chồng tôi đăng ký, thành lập và tài sản dùng tài sản chung. Chồng tôi làm mọi việc.

    -Đây là công ty TNHH thì trách nhiệm của mỗi bên là riêng, không chung được?

    -Thực ra đây là công ty gia đình nên chồng tôi thực hiện các hồ sơ.

    HĐXX hỏi bị cáo Phạm Công Danh

    -Tài sản công ty đưa vào làm vốn pháp định gồm những gì?

    -Đã rất lâu rồi nên thực sự tôi không còn nhớ nữa nhưng tôi chắc rằng tất cả những hồ sơ được thực hiện đầy đủ.

    Bà HĐXX yêu cầu bà Chi, ông Danh xác định với vốn điều lệ Thiên Thanh là 1.000 tỷ đã góp chưa, gồm tài sản gì, ai cấp phép

  • Phạm Công Danh nói sẵn sàng dùng tài sản của Idico để khắc phục hậu quả
  • 09:3709/08/2016

     Luật sư Lê Văn Đức hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết

    -Với trường hợp cho IDICO vay thì hồ sơ của IDICO đã đủ chứng từ pháp luật chưa?

    -Theo tôi đã khai thì là đầy đủ.

    -Công ty IDICO muốn vay thời hạn bao lâu?

    -Tôi nhớ là 6 tháng.

    -Thế đến khi anh bị bắt thì khoản vay này đã tất toán chưa?

    -Chưa tất toán.

    -Khi cho IDICO vay vốn như vậy thì khả năng trả nợ thế nào?

    -Trên hồ sơ thì có đầy đủ năng lực. IDICO là công ty con của tập đoàn IDICO và có nhiều hoạt động. Về tài sản thì có khách sạn Sơn Trà…

    -Nếu đến hạn trả nợ mà doanh nghiệp không trả được nợ thì làm như thế nào?

    -Thì xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Người vay có trách nhiệm trả nợ còn ngân hàng có trách nhiệm thu hồi nợ.

    -Trong nhận thức của anh thì đây có phải anh Bình ký để lấy tiền cho anh Danh không?

    -Vấn đề này luật sư hỏi anh Bình chứ tôi không thể thay anh Bình trả lời câu hỏi này.

    Luật sư hỏi bị cáo Phạm Công Danh

    -Trong trường hợp khoản vay của IDICO như vậy thì ông có thể dùng tài sản là khách sạn Sơn Trà để khắc phục hậu quả không? Nếu khách sạn này vẫn không đủ để trả nợ thì có dùng tài sản của Thiên Thanh để góp phần khắc phục không?

    -Như tôi đã nói là mong muốn của tôi là khắc phục hậu quả. Tôi sẵn sàng dùng tài sản của IDICO để khắc phục. Còn về Thiên Thanh thì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa tôi và vợ tôi. Tài sản là của chung của vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này vì còn quyền của vợ tôi. Mong muốn khắc phục là mong muốn của riêng tôi.

    Luật sư hỏi bà Quách Kim Chi về việc xử lý tài sản. Bà Chi trình bày lại mong muốn chung đối với các hợp đồng tín dụng là xử lý theo đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng.

  • Bị cáo Nguyễn Văn Cường xin được tại ngoại để khám bệnh
  • 09:0709/08/2016

    Sáng nay ngày 9/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục diễn ra.

    pham cong danh duoc dan do ve trai tam giam sau phien toa ngay 8/8

    Phạm Công Danh được dẫn độ về trại tạm giam sau phiên tòa ngày 8/8

     

    Mở đầu phiên, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Cty TNHH MTV TMDV Cường Tín) và Hồ Thị Đi (Giám đốc Cty TNHH MTV TMDV Huơng Việt). Các bị cáo này bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng " theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự.

    Bị cáo Đi cho biết khi xảy ra sai phạm thì bị cáo đang mang thai, mong Hội đồng xem xét. Bị cáo Cường cho biết đang có bệnh lý, mong tòa xem xét cho tại ngoại đi khám bệnh…

    Luật sư Lê Văn Đức bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Chí Bình (Giám đốc công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch IDICO), Cao Phước Nhàn (Giám đốc Cty TNHH MTV TMDVXD Phước Đại)

    Luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Chí Bình:

    -Anh là giám đốc nhưng có phải người đại diện theo pháp luật của IDICO?

    -Tôi không phải người đại diện theo pháp luật của IDICO mà là anh Tuấn.

    -Thế theo anh ai mới có chức năng ký các hợp đồng, giấy tờ để vay vốn?

    -Người đại diện theo pháp luật

    -Anh không phải là người đại diện theo pháp luật vì sao lại ký?

    -Dạ thưa, tôi làm theo nghị quyết HĐQT, ủy quyền cho tôi thực hiện các việc trên.

    -Anh có nhận được ủy quyền nào của ông Lê Văn Tuấn không?

    -Dạ thưa, có.

    -Lúc ký hợp đồng vay vốn anh có biết giúp sức cho ông Phạm Công Danh rút tiền ngân hàng không?

    -Thưa không. Tôi không biết gì vấn đề anh Danh rút tiền. Tôi làm theo quyền lợi của doanh nghiệp và nội dung được ủy quyền.

    -Anh có nhận được quyền lợi gì khi ký hợp đồng vay vốn không?

    -Thưa không.

  • Nội dung phiên tòa ngày 8/808:1609/08/2016

    Ngày 8/8, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm với nội dung các luật sư hỏi bị cáo và người liên quan.

    Buổi sáng, luật sư và hội đồng xét xử hỏi các bị cáo và người liên quan về khoản tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích bị rút khỏi tài khoản mà không có chữ ký của chủ tài khoản.

    Bà Bích cho rằng bà không yêu cầu ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản của bà sang tài khoản ông Danh hay ông Thanh, mà do ngân hàng làm, ngân hàng làm sai thì ngân hàng phải chịu.

    Trong khi đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết vẫn kiên quyết cho rằng làm theo chỉ đạo của ông Danh, và rằng giữa ông Danh và bà Bích có sự đồng thuận. Trước đó, VNCB chi nhánh Sài Gòn của ông Quyết đã tạm dừng trả tiền lãi cho bà Bích vì bà không trả nốt chứng từ.

    Phan Thành Mai trả lời trước tòa rằng bị cáo không liên quan hay chủ trương gì về việc nợ chữ ký, chứng từ, ông biết nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích vì đây là nhóm lớn và là khách hàng của Phạm Công Danh.

    Phạm Công Danh vẫn kiên quyết rằng ông có quan hệ vay mượn tiền với nhóm Trần Ngọc Bích. Người đại diện tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh cũng khẳng định như vậy khi đưa ra các chứng cứ về việc ông Danh, ngoài phần lãi ngoài trả cho nhóm bà Bích, thì đã trả cho nhóm này tổng cộng 2.760 tỷ đồng.

    Trong sáng qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng có mặt để trả lời các vấn đề của luật sư. Luật sư của ông Danh đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước rằng, Phạm Công Danh đã nộp 3.600 tỷ đồng để tái cơ cấu Trustbank. Hai năm sau, NHNN mua lại với giá 0 đồng, 35 bị cáo ra trước vành móng ngựa. Nhưng từ khi NHNN mua lại ngân hàng giá 0 đồng, chỉ sau 1 năm, NHNN đã đưa Ngân hàng Xây dựng từ NH âm vốn trở thành một ngân hàng đủ năng lực, tiềm năng thực hiện nhiều nghiệp vụ, phải chăng chỉ NHNN mới đủ khả năng tái cơ cấu TrustBank?

    Trong phiên tòa chiều 8/8, ông Hà Văn Toàn, cựu chủ tịch TrustBank tham gia trả lời các câu hỏi của luật sư. Ông Toàn cho rằng trong giai đoạn ông quản lý thì ngân hàng vẫn có lãi, nhưng khi NHNN vào thanh tra lại yêu cầu trích lập dự phòng cho cả các khoản trung dài hạn của nhóm Phú Mỹ, vì không cùng ý kiến nên ông đã đệ đơn từ chức.

    Ông cũng cho rằng giai đoạn 2012 không có chủ trương huy động vượt trần lãi suất, không chi chăm sóc khách hàng.

    Tuy nhiên ông Phạm Công Danh khi được hỏi lại khẳng định rằng tình hình ngân hàng hết sức tồi tệ, buộc phải chi chăm sóc khách hàng vì đây là việc đã có từ giai đoạn trước. Ông Danh cũng nói không muốn HĐQT cũ bị liên lụy nhưng trước tòa ông phải khai thành thật như vậy.

    Ngoài ra, luật sư cũng hỏi thêm 2 bị cáo là ông Lê Công Thảo (liên quan vụ Corebanking) và ông Lê Khắc Thái (nguyên phó giám đốc VNCB Sài Gòn), cả hai bị cáo đều kêu oan

  • Triệu tập đại diện DATC (Bộ Tài Chính) ngày mai có mặt
  • 17:0009/08/2016

    Luật sư hỏi bị cáo Phạm Công Danh. 

    -Ông có chỉ đạo ai về việc định giá cao?

    -Tôi khẳng định tôi không chỉ đạo ai liên quan đến việc định giá cao cả.

    Luật sư hỏi Bạch Quốc Hào (VNCB AMC)

    Bạch Quốc Hào khẳng định VNCB AMC trực thuộc VNCB nhưng là pháp nhân độc lập. Ngoài nhận định giá bất động sản cho VNCB thì công ty hoàn toàn có thể nhận yêu cầu định giá của khách hàng bên ngoài. Việc ông Danh cho rằng chưa từng chỉ đạo ai cấp dưới về định giá, ông Hào khẳng định chưa từng nhận chỉ đạo của ông Danh hay ông Mai về định giá 2 tài sản Chi Lăng và Trường Chinh, không có ai gây áp lực cho việc định giá. Đó là công việc bình thường.

    Luật sư hỏi đại diện DATC Bộ Tài Chính. Đại diện này vắng mặt. HĐXX yêu cầu Thư ký tòa triệu tập, sáng mai phải có mặt.

    Luật sư hỏi bị cáo Tuấn

    -Bị cáo có chứng chỉ định giá không?

    -Thưa không, bị cáo chỉ có chứng nhận định giá bất động sản.

    -Bị cáo làm việc theo phân công của ai?

    -Theo phân công của giám đốc.

    -Bị cáo bị quy kết tội định giá chênh lệch, góp phần giúp sức cho ông Phạm Công Danh rút tiền ngân hàng. Bị cáo cho biết vấn đề này?

    -Thời gian đầu bị cáo định giá 64 triệu/ m2 và cơ sở định giá cũng chưa thực sự hợp lý. Sau khi trình lên ban giám đốc thì lãnh đạo cho rằng việc định giá này không đúng giá trị thực. Lúc đó bị cáo được đưa tham khảo định giá của DATC và tiến hành định giá lại theo phương thức thu nhập. Bị cáo làm hoàn toàn theo nghiệp vụ, không theo chỉ đạo của ai. Trong chứng thư có ghi rõ những giả định. Định giá của bị cáo đưa ra và định giá của DATC có giá trị tương đương nhau.

    -Theo cáo trạng thì DATC ghi giá trị hình thành trong tương lai còn bị cáo không ghi giá trị hình thành trong tương lai nhưng quy dòng tiền trong tương lai về hiện tại. Bị cáo nói sao về điểm này?

    -Thưa HĐXX là không có giá trị trong tương lai mà chỉ có giá trị thị trường và phi thị trường. Chứng thư của bị cáo chỉ có giá trị 3 tháng.

  • Thu nhập cán bộ giảm đi khi Phạm Công Danh tiếp quản ngân hàng
  • 16:2509/08/2016

    Luật sư hỏi bị cáo Lê Khắc Thái (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn). 

    Bị cáo Thái cho biết thu nhập không tăng lên kể từ khi được bổ nhiệm phụ trách tín dụng ở chi nhánh thậm chí khi ngân hàng chuyển giao cho nhóm ông Danh thì thu nhập thậm chí giảm đi do ngân hàng khó khăn.

    Bị cáo Thái cho biết theo quy trình tín dụng chi nhánh thì tỷ lệ đồng ý của Hội đồng tín dụng là 51%. Khi văn bản trình lên đã có 3 chữ ký đề xuất. Ông Thái khẳng định việc đồng ý ý kiến đề xuất tức là đồng ý ý kiến đề xuất mà nhân viên tín dụng cấp dưới đã đề xuất, không thuộc quyền của Hội đồng xét xử cấp chi nhánh, chuyển lên cấp cao hơn xét duyệt.

    Luật sư hỏi đại diện ngân hàng xây dựng

    -Theo quyết định của NHNN thì Ngân hàng xây dựng (CB) kế thừa quyền lợi, trách nhiệm của VNCB.

    -Trong trường hợp bị cáo Lê Công Thảo không ký thì có được thanh toán không và nếu đủ chữ ký có đương nhiên được thanh toán không?

    -CB đã xây dựng quy trình mới còn trường hợp chữ ký của ông Thảo như câu hỏi của Luật sư thì tham chiếu vào quy định của VNCB thời điểm đó.

    -Trong điều 13 của quyết định 637 có quy định về chi tạm ứng. Với quy định vậy thì tờ trình đề xuất được thanh toán tức đúng quy định đúng không?

    -Câu hỏi của luật sư đi vào tình tiết cụ thể về kế toán quá còn theo tôi hiểu thì để thanh toán cần tham chiếu nhiều giấy tờ khác.

  • CBBank đã xử lý các khoản nợ và tài sản đảm bảo từ VNCB thế nào?
  • 15:2709/08/2016

    Luật sư hỏi Phan Thành Mai. 

    -Quyết định số 52 về hướng dẫn quy trình tín dụng mà anh ký điều hành, tới thời điểm anh bị bắt đã có nhân viên nào vi phạm?

    -Chưa.

    -Tại sao VNCB bị kiểm soát đặc biệt mà anh không gửi quy định này cho NHNN?

    -Bị cáo không nhớ rõ. Có phòng pháp chế tham gia nên nếu cần gửi thì phòng pháp chế sẽ tham mưu cho HĐQT thực hiện việc này. Bị cáo không chắc chắn có được gửi đi không?

    Tòa hỏi Mai Hữu Khương

    -Vì sao trong quyết định số 52 mà anh chấp bút lại không có chế tài xử lý người vi phạm?

    -Đây là bản hướng dẫn cán bộ chi nhánh thực hiện, không phải chế tài.

    Luật sư hỏi đại diện ngân hàng xây dựng

    -Thời điểm tháng 9/2014, Ngân hàng xây dựng có văn bản đề nghị công ty thẩm định giá Miền Nam định giá 1 loạt tài sản trong đó có Sân vận động Chi Lăng. Căn cứ vào đâu có đề nghị này?

    -Căn cứ vào việc Ngân hàng xây dựng tiếp quản VNCB. Còn động cơ mục đích thì những người trực tiếp ban hành văn bản đó sẽ biết, Ngân hàng xây dựng không nắm được vấn đề đó.

    -Từ khi tiếp quản VNCB, Ngân hàng xây dựng đã có động thái gì xử lý liên quan tài sản đảm bảo nhận chuyển giao từ VNCB?

    -Chúng tôi đã có báo cáo Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3/2015 còn thực tế xử lý còn phụ thuộc kết quả phiên tòa nên không có ý kiến.

    -Tại Ngân hàng xây dựng thì 100% hồ sơ tín dụng phải cảnh báo rủi ro?

    -Bản chất hồ sơ tín dụng nào cũng có rủi ro vì thế phải có cảnh báo rủi ro

  • "Vênh" trong cách hiểu về trách nhiệm tín dụng
  • 15:1709/08/2016

    Phiên tòa buổi chiều tiếp tục. 

    Phiên chiều nay, các luật sư bảo vệ quyền lợi của các nhân viên tín dụng, giám đốc doanh nghiệp "ma" ký kết tiếp tục hỏi các bị cáo và những người liên quan. 

    Về các câu trả lời, chúng tôi xin được tổng hợp thành 3 nhóm như sau:

    -Đối với nhân viên tín dụng chi nhánh: Họ viện dẫn rằng các hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp xin vay vốn họ đã thực hiện đúng quy trình. Vì các khoản vay này vượt hạn mức tín dụng chi nhánh (thời điểm đó là 40 tỷ) nên họ đã gửi hồ sơ lên hội sở. Hầu hết nhân viên tín dụng chi nhánh cho rằng hội đồng tín dụng hội sở phải chịu trách nhiệm thẩm định, cho vay. 

    -Đối với nhân viên hội đồng tín dụng hội sở: Họ cũng cho rằng họ bị oan khi cáo trạng cáo buộc họ. Đa phần bị cáo thuộc nhóm này cho rằng những hồ sơ đó họ không có trách nhiệm đi thẩm định trực tiếp. Trách nhiệm thẩm định là của chi nhánh. Chi nhánh phải chịu trách nhiệm về đúng, sai trong hồ sơ vay, hội sở chỉ tái thẩm định việc đúng sai trên hồ sơ, nếu đầy đủ thì cho vay. 

    -Đối với lãnh đạo ngân hàng: Riêng bị cáo Phan Thành Mai khẳng định trong nhận thức của bị cáo thì cần 3 phương pháp thẩm định khi cho vay vốn tức phải có gặp trực tiếp khách hàng, thẩm định tài sản. Quy định 52 hướng dẫn quy trình tín dụng là do bị cáo Mai cùng những lãnh đạo khác ký duyệt nhưng chi tiết bên trong không nắm rõ. Bị cáo Mai nhận thức rõ trách nhiệm cấp tín dụng nhưng không có nhiều dịp tập huấn cho cán bộ cấp dưới và có thể nhận thức vấn đề quy trình tín dụng bị sai.

    Các bị cáo khác như Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương…cũng có sự "vênh" trong cách hiểu về trách nhiệm tín dụng của chi nhánh và hội sở so với nhân viên 2 cấp tín dụng và không rõ ràng như bị cáo Mai.

    HĐXX cũng hỏi một bị cáo khác của vụ án là bị cáo Võ Ngọc Nguyên Bình. Bị cáo này ký cho vay 4 hồ sơ và từ chối cho vay 2 hồ sơ và xin từ chức. 

    Luật sư hỏi bị cáo Võ Ngọc Nguyễn Bình: Vì sao bị cáo không ký hồ sơ vay của Toàn Tâm và An Phát sau khi đã ký 4 hồ sơ vay? 

    -Vì tài sản đảm bảo 2 hồ sơ này không đủ điều kiện đảm bảo.

    -Bị cáo chịu áp lực gì không?

    -Bị cáo chỉ chịu áp lực sao cho đúng quy trình kinh doanh. Bị cáo xin nghỉ do không đồng thuận với cấp trên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một vài tháng sau thì con bị cáo sau thời gian ở bệnh viện Nhi đồng đã bị mất.

    -Bị cáo không ký hồ sơ Toàn Tâm-An Phát vì chưa đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo. Còn với 4 hồ sơ đã cho vay thì bị cáo thấy hồ sơ đầy đủ điều kiện cấp tín dụng nên cho vay. 

    Qua phần trả lời của bị cáo Võ Ngọc Nguyên Bình thì lại xuất hiện thêm một quan điểm khác liên quan quy trình cho vay. 4 hồ sơ đã "lọt" con mắt của cán bộ tín dụng do đầy đủ về mặt hồ sơ, chứng từ…2 hồ sơ liên quan đến khoản vay của Toàn Tâm, An Phát không lọt qua mắt của bị cáo này do chưa đăng ký tài sản giao dịch đảm bảo.

    (Theo CafeF)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Đại án VNCB: Chiếc "bánh vẽ" mang tên... bất động sản

Mới cập nhật

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ

THPT Chuyên Hà Nội AMSTERDAM: Triển lãm khoa học Science Fair 2024 - FeliCity

TUẦN NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC LÀM 2024 - NEU CAREER WEEK 2024