tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TP.HCM nên chọn hướng đột phá nào?

  • Cập nhật : 27/09/2015

(Tin kinh te)

Đột phá cần phải tác động đến toàn hệ thống.

nao vet cac dong kenh phong chong trieu cuong gay ngap tai tp.hcm. anh: htd

Nạo vét các dòng kênh phòng chống triều cường gây ngập tại TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X xác định bảy chương trình đột phá gồm: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, về vấn đề này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về bảy chương trình đột phá mà Đảng bộ TP.HCM đưa ra thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020?

+ TS Nguyễn Hữu Nguyên: Theo tôi, đột phá đòi hỏi ít nhất ba yếu tố: Tạo tác động cho toàn bộ hệ thống, bản thân nó phải có khả năng chuyển biến nhanh rồi tác động đến toàn hệ thống chứ không phải chỉ tác động riêng rẽ. Theo đó, muốn đột phá phải tập trung nguồn lực cả về nhân lực và vật lực.

Trước hết, TP.HCM nên lựa chọn hướng đột phá về tăng trưởng kinh tế hay đột phá về cải thiện điều kiện sống của nhân dân. Quá dàn trải thì sẽ không đủ nguồn lực để cùng một lúc tạo sự đột phá. Do vậy, TP.HCM nên xác định trong mỗi lĩnh vực phải đột phá vào một khâu quan trọng nhất để tạo chuyển biến.

. Ông vừa đề xuất TP.HCM nên đột phá vào một khâu trọng yếu trong mỗi chương trình đột phá. Cụ thể như thế nào?

+ Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có ba lĩnh vực là giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề. Tôi cho rằng giáo dục phổ thông và đại học là con đường lâu dài, còn trước mắt là khâu dạy nghề vì yêu cầu hội nhập thị trường lao động với ASEAN.

Về cải cách hành chính, có hai khâu là thủ tục đầu tư kinh doanh và dịch vụ công, khâu nào đang cần thiết phải đột phá thì cơ quan chức năng nên đề xuất.

Về lĩnh vực kinh tế, có hai khâu để lựa chọn: Một là tái cấu trúc ngành nghề, hai là nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh.

Về giao thông, có hai khâu: Phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông. Về hạ tầng thì ở nội thành không còn quỹ đất. Chỉ có thể mở rộng ở ven đô thị mới. Về phương tiện, nếu theo hướng tăng cường loại có sức chở lớn có thể không hiệu quả vì người dân TP không di chuyển theo hướng cố định mà đa số có nhu cầu đi đến tất cả cửa hàng ở tất cả đường phố, kể cả hẻm - đó là đặc điểm hoạt động “kinh tế mặt tiền” và “kinh tế vỉa hè” của TP.HCM. Như vậy nên theo hướng tăng cường phương tiện giao thông công cộng cỡ vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu người dân lao động.

Về giảm ngập nước, có hai khâu: Đê bao ngăn nước biển và thoát nước khi mưa lớn - có lẽ khâu thoát nước mưa quan trọng hơn vì nước biển chưa dâng cao mà TP đã bị ngập ở những nơi có độ cao 2,5 m và chỉ cần mưa 40 mm là đã ngập. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước của TP quá lạc hậu, đã san lấp 47 con kênh thoát nước trong mấy chục năm qua. Vì thế cần tập trung vào khâu thoát nước mưa.

Về chương trình giảm ô nhiễm môi trường, có hai khâu là ô nhiễm rác thải sinh hoạt và ô nhiễm công nghiệp. Có lẽ TP nên chọn hướng giải quyết rác thải sinh hoạt.

Chương trình chỉnh trang đô thị nên chọn khâu chỉnh trang chung cư cũ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào gây thiệt hại cho nhân dân. Sở Xây dựng nên khảo sát và phân loại để lập lộ trình hợp lý.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục