tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 11-07-2016

  • Cập nhật : 11/07/2016

Lo phá sản, 40 doanh nghiệp tại Hoài Đức kêu cứu

 Việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất đai đối với hơn 40 doanh nghiệp chỉ trong một thời gian rất ngắn của chính quyền xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã làm cho hơn 40 DN tại thôn Lại Dụ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí là phá sản. Cực chẳng đã, các doanh nghiệp đã đệ đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng.

dau tu vao cum cong nghiep "tu phat", hon 40 nha xuong va hang tram tan may moc thiet bi cua dn dang doi mat voi nguy co se phai thao do theo quyet dinh cua ubnd xa an thuong. anh: h.anh.

Đầu tư vào cụm công nghiệp "tự phát", hơn 40 nhà xưởng và hàng trăm tấn máy móc thiết bị của DN đang đối mặt với nguy cơ sẽ phải tháo dỡ theo quyết định của UBND xã An Thượng. Ảnh: H.Anh.

Cụm công nghiệp “tự phát” 22 năm

Theo phản ánh của các DN, thôn Lại Dụ, xã An Thượng là một trong những thôn, xã nghèo của huyện Hoài Đức, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác trồng cây lâu năm. Do việc trồng cây không mang lại hiệu quả cao, từ năm 1994 một số hộ gia đình đã mạnh dạn huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư nhà xưởng sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ.

Đến nay, đã có tới hơn 40 DN được thành lập, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhiều nhà xưởng quy mô lớn, trang thiết bị máy móc hiện đại với nhiều lĩnh vực ngành nghề như: sản xuất các thiết bị tàu thuỷ hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, đóng giấy vở học sinh, sản xuất bánh kẹo, cơ khí, sản xuất tủ điện…, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động trong và ngoài xã với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, đầu tháng 6-2016, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo UBND xã An Thượng yêu cầu các DN tự tháo dỡ nhà xưởng, máy móc trang thiết bị di dời đi nơi khác. Theo đó, sau 3 cuộc đối thoại với hơn 40 DN, từ ngày 5 đến 7-7-2016 chính quyền xã đã thực hiện việc hỗ trợ DN tháo dỡ, di dời nhà xưởng theo thông báo ngày 30-6-2016 mà các DN nhận được về việc cưỡng chế vi phạm hành chính về đất đai tại thôn Lại Dụ.

Sở dĩ có sự việc này, theo ông Kiều Ngọc Hưng, Hội phó Hội Doanh nghiệp thôn Lại Dụ, từ năm 2007 thôn Lại Dụ đã đề nghị lên xã An Thượng về việc chuyển khu vực này thành khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Đến năm 2013, HĐND xã An Thượng ra Nghị quyết số 28/2013/NQ-HĐND về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, trong quy hoạch nông thôn mới xã đã đưa 4,5 ha thôn Lại Dụ vào quy hoạch điểm cụm công nghiệp trình lên UBND huyện Hoài Đức xin phê duyệt và đã được huyện chấp thuận về mặt chủ trương, sau đó quy hoạch được trình lên UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay điểm cụm công nghiệp này vẫn chưa được phê duyệt do nằm trong hành lang thoát lũ của sông Đáy. 

Mặc dù vậy, ông Hưng cho biết, các DN khi đầu tư vào đây đã tìm hiểu và được chính quyền xã hướng dẫn, cho biết trong tương lai, khu này sẽ được chuyển đổi thành khu công nghiệp vừa và nhỏ. Từ sự kêu gọi của chính quyền địa phương, nhiều DN đã về đây mua đất, đầu tư làm xưởng. Đồng thời, các DN được UBND xã An Thượng và thôn ủng hộ, tạo điều kiện cho DN đứng ra tổ chức làm đường bê tông theo phương thức DN bỏ tiền, chính quyền thực hiện. Ngoài ra chính quyền còn cho xây trạm biến áp công suất 1000 KVA-22/0,4KV để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, không chỉ làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, có nhiều đóng góp cho kinh tế, ngân sách Nhà nước, bản thân các DN cũng đã tham gia hỗ trợ rất lớn cho các phong trào của địa phương.

Cần hỗ trợ, có lộ trình phù hợp

Theo các DN, với quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất đai, buộc các DN phải tháo dỡ, di dời nhà xưởng, tài sản ra trong một thời gian rất ngắn sẽ đẩy các DN vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo đó, việc tháo dỡ, di dời sẽ gây thiệt hại cho hơn 40 DN khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, 2.000 lao động sẽ mất việc làm, dễ nảy sinh tệ nạn xã hội. Điều đáng nói, các DN hầu hết đầu tư bằng vốn vay ngân hàng, do đó nguy cơ DN bị ngân hàng siết nợ rất cao.

Ông Nguyễn Quang Trịnh, Giám đốc Công ty TNHN in và sản xuất bao bì Ánh Dương cho biết, năm 2013 DN khi mua hơn 1.000 m2 đất và xây dựng nhà xưởng tại đây thì tại thôn Lại Dụ có 26 doanh nghiệp đã đầu tư về đây sản xuất kinh doanh và việc làm ăn rất tốt. Đến nay, tổng vốn đầu tư của DN khoảng 25-30 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 80 cán bộ công nhân viên. Vì thế, ông Trịnh cho biết, khi nhận được thông báo cưỡng chế, giải tỏa 43 cơ sở làm ăn của DN, ông cảm thấy rất hoang mang, lo lắng bởi tài sản, tiền thế chấp, vay mượn ngân hàng không trả được, toàn thể cán bộ công nhân viên đi đâu, về đâu.

“Với tư cách là đại diện DN, tôi mong các cấp lãnh đạo giúp đỡ chúng tôi. Nếu như bây giờ bị giải thể hoặc di chuyển thì chúng tôi sẽ bị phá sản, kính mong các cấp lãnh đạo cứu chúng tôi”, ông Trịnh kiến nghị. Ông Kiều Ngọc Hưng cũng cho biết, riêng DN của ông cũng mất ít nhất cũng 2 – 3 tỷ đồng và gần như sẽ phá sản. 

Ông Hà Trung Kiên, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Green Việt Nam chia sẻ, từ chỗ là hộ kinh doanh cá thể, do xã có chủ trương nên DN về đầu tư theo tiếng gọi của địa phương để góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn trong xã, tổng mức đầu tư đã lên hơn 20 tỷ. “Theo đúng chủ trương, nếu huyện tiến hành di dời và tháo dỡ nhà xưởng đi thì DN sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Tất cả vốn liếng tích luỹ bao nhiêu năm nay chúng tôi đã đầu tư vào đất đai, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị. Đặc biệt, nếu di dời chúng tôi biết đi đâu? Chi phí di dời giải quyết công ăn việc làm người lao động ra sao?”, ông Kiên bức xúc.

Để một cụm công nghiệp tự phát tồn tại trong 22 năm và đùng một cái buộc DN phải tự tháo dỡ, di dời nhà xưởng cùng hàng trăm tấn máy móc thiết bị, (trong đó có những thiết bị hiện đại phải hoạt động trong môi trường máy lạnh) chỉ trong vòng một tháng, rõ ràng cách xử lý của chính quyền là nóng vội, chưa hợp tình hợp lý, trong khi Chính phủ đã và đang nỗ lực có các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN, đặc biệt là các DN NVV. Thiết nghĩ, câu chuyện của cụm công nghiệp này là vấn đề lịch sử để lại, vì thế các cấp chính quyền cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ hơn 40 DN này có lộ trình tháo dỡ, di dời nhà xưởng, ổn định sản xuất kinh doanh.  (HQ)


Nông dân nghèo có tiền tỷ nhờ nuôi tôm vùng ngập mặn

Từ hộ nông dân trồng lúa, làm thuê luôn túng thiếu, ông Thạch Lương ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) chuyển sang nuôi tôm, cua rồi mở rộng cơ ngơi, đến nay lợi tức hàng năm lên đến bạc tỷ đồng.

Sinh năm 1964 ở xã Long Vĩnh, ông Thương cùng gia đình sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp. Cả gia đình sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ven rừng ngập mặn, trong cảnh túng thiếu, vợ chồng phải buôn bán nhỏ và làm thuê.

Năm 2008, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa, đất bỏ hoang sang nuôi trồng thủy sản, ông Thương mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất hiện có của gia đình sang nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến (thả lan). Vụ nuôi đầu thành công, ông Thương tích lũy thêm một số vốn và mua thêm đất, tiếp tục mở rộng ao tôm.Hiện ông Thương sở hữu 20 ha đất nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Theo ông, mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn phát triển theo hướng bền vững. Tôm sú nuôi theo hình thức thả lan với mật độ thưa không sử dụng kháng sinh, lớn nhanh, sạch bệnh, bán được giá. Trung bình mỗi năm gia đình ông thả 300.000 con tôm sú kết hợp với 30 - 40kg cua biển giống (chia làm 3 đến 4 đợt mỗi năm). Chỉ riêng tôm thâm canh và bán thâm canh, gia đình ông có nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng và lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng một năm.

nhung dam tom menh mong mang lai loi tuc tien ty cua gia dinh ong thach luong. anh: tien phong

Những đầm tôm mênh mông mang lại lợi tức tiền tỷ của gia đình ông Thạch Lương. Ảnh: Tiền Phong

Ngoài diện tích nuôi tôm trong rừng ngập mặn, những năm gần đây, ông Thương chuyển một số diện tích sang nuôi tôm công nghiệp. Ông Thương cho biết, năm 2009, khi quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nhiều người lo ngại cho ông, vì nếu thất bại ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Thương vẫn quyết tâm làm và đã liên tục thành công. Hiện ông Thương sở hữu 19 ao nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10 ha.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, phải quản lý nghiêm từ khâu nạo vét ao hồ cho đến môi trường nước. Ao nuôi phải đảm bảo thông thoáng, khu nuôi tôm có dành diện tích làm ao lắng xử lý môi trường nước khi cung cấp vào ao nuôi, giữ độ sâu mức nước từ 1,4-1,5m. Hàng ngày theo dõi chế độ ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do lượng thức ăn thừa tồn dư trong ao nuôi.

Hàng năm, gia đình ông Thương đều lãi lớn từ nghề tôm, thu lợi trung bình trên một tỷ đồng. Riêng năm 2015, ông lãi trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ việc nuôi thủy sản, ông Thương còn có nguồn thu từ đàn bò sinh sản, bò thịt.. Nhờ vượt khó để làm ăn, tích cực lao động sản xuất, nhiều năm liền ông Thương được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Trà Vinh.

Sau khi thoát nghèo thành tỷ phú, ông Thương hiến 2.500 m2 đất gần trục lộ chính, dân cư đông đúc để địa phương xây trường học. Ông Thương còn hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh thủy lợi nội đồng và cống thoát nước phục vụ cho 15 hộ dân nuôi thủy sản trong ấp và nhiệt tình tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho nhiều nông dân tại địa phương vượt khó.

Đầu năm 2016, ông Thương được UBND tỉnh tặng bằng khen vì “đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh”. Gia đình ông Thương đang bảo đảm việc làm cho 5 lao động nghèo trong vùng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi thu hoạch tôm, ông Thương còn thưởng thêm mỗi lao động một tháng lương. Ông là người nuôi tôm hiếm hoi ở vùng đất này hay thưởng cho người lao động.(TP)


Tôn vinh 79 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016

 Ngày 10-7, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh 79 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016".

dai dien cac to chuc, ca nhan duoc ton vinh "thuong hieu vang nong nghiep viet nam 2016". anh: nguyen thanh

Đại diện các tổ chức, cá nhân được tôn vinh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016". Ảnh: Nguyễn Thanh

Trong gần 4 tháng qua, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát bình chọn ngẫu nhiên hơn 650 sản phẩm nông nghiệp của tất cả các vùng miền trên cả nước, kết quả trong số đó có 378 sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao.

Dựa trên Điều lệ chương trình bình chọn “Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam” đã được Ban thường vụ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phê duyệt, Hội đồng Bình chọn Trung ương đã chọn ra được 79 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng để trao danh hiệu “Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam 2016”.

Một số đơn vị điển hình có thương hiệu/sản phẩm đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016” có thể kể tới như: Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao; Thương hiệu sữa TH True milk (Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH); Công ty CP giống cây trồng miền Nam; Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư; Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh; Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản Sao Việt; Công ty TNHH Ba Huân…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đánh giá: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có việc xây dựng thương hiệu. Chương trình tôn vinh “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam” là dịp để khuyến khích, động viên các tập thể, cá nhân đã và đang tích cực hỗ trợ cho người nông dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả. “Đồng thời, chương trình sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung, đặc biệt là các sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường Quốc tế”, ông Hùng nói.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã thực hiện 2 cuộc tọa đàm về chủ đề: “Xây dựng thương hiệu cho nông sản và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh” và “Phát triển bền vững ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp”. 

Phát biểu tại tọa đàm, đi sâu chia sẻ những giải pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng như hướng đến sự phát triển bền vững, ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc kỹ thuật và chuyển giao công nghệ Tập đoàn TH cho biết: Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nhiều người tiêu dùng không tin vào sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra, không tin vào chất lượng những gì mình đang ăn…

Xã hội đang có quá nhiều lo lắng về an toàn thực phẩm. Do đó, Tập đoàn đã hướng đến việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, tạo dựng niềm tin về thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn TH bắt tay vào sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và  châu Âu áp dụng cho rau và dược liệu. Trên cơ sở đó, Tập đoàn tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn trên với sản phẩm sữa tươi TH true milk… 

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP super phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết thêm: Để có được thành công, điểm cốt lõi là công ty chọn hướng đi tạo ra các sản phẩm riêng biệt, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, sạch và an toàn cho sản xuất nông nghiệp…

Đặc biệt, công ty luôn đồng hành với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón đúng cách, hiệu quả cùng với các chính sách mua trả sau, mua trả chậm…. với phương châm “Công ty CP super phốt phát và hóa chất Lâm Thao là bạn của nhà nông”.(HQ)


Doanh nghiệp bán lẻ cần gói tín dụng riêng

Trong 4 khó khăn về phân phối, mặt bằng, vốn, lao động thì vốn vẫn được các DN bán lẻ nhận định là thiếu và yếu nhất.

cac mat hang nong san tai sieu thi big c thang long. (anh: huu linh) 

Các mặt hàng nông sản tại siêu thị Big C Thăng Long. (Ảnh: HỮU LINH) 

“Khát” vốn

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có trên 40 đơn vị thành viên, trong đó, Hapro đã đầu tư khá nhiều cho các DN thành viên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro cho hay, nguồn vốn ít nên các DN thành viên đều phải đi vay, ngoài vốn lưu động để phục vụ kinh doanh, mọi việc khác từ sửa chữa, mở rộng đều cần đến vốn vay. Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ của các DN phần lớn là đi thuê từ mặt bằng cho đến cơ sở hạ tầng nên không có tài sản thế chấp ngân hàng nên khó tiếp cận vốn vay.

Thiếu vốn là thực trạng của nhiều DN trong ngành bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập và sự cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, các DN FDI vào Việt Nam có lợi thế rất lớn về vốn. Họ có nguồn vốn tự có dồi dào, thậm chí, nếu vay vốn thì lãi suất cho vay ở nước ngoài cũng thấp hơn so với tại Việt Nam. Nếu so sánh, các DN Việt Nam hiện chỉ hơn DN FDI ở việc hiểu được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đây không phải lợi thế lâu dài, bởi chỉ cần hoạt động một thời gian, các DN FDI cũng sẽ hiểu được tâm lý của người tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, cũng như nhiều ngành nghề khác, với các DN bán lẻ, vốn có vai trò rất quan trọng trong việc thuê mặt bằng, giúp đa dạng nguồn hàng và mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vốn đang được các DN bán lẻ đánh giá là khó khăn, cản trở lớn nhất.

“Không chỉ có khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp mà quan trọng hơn, các ngân hàng vẫn chưa có các gói tín dụng được thiết kế dành riêng, phù hợp với đặc điểm của ngành bán lẻ như về: Định mức cho vay, thời gian vay, tài sản đảm bảo, cách thức hoàn trả gốc và lãi”, bà Loan nhận xét.

Cần giải quyết

Với nhiều DN, việc giải quyết vấn đề về vốn nếu không tiếp cận được tín dụng từ ngân hàng thì họ đều hướng tới những nguồn vốn vay từ bạn bè, gia đình, thậm chí, họ sẵn sàng sử dụng “tín dụng đen” với lãi suất cao để có tiền kinh doanh.

Chia sẻ về hướng giải quyết của Hapro, ông Nguyễn Tiến Vượng cho hay, với công ty mẹ thì ngân hàng nào cũng mong cho vay, nên trước đây Hapro có đứng ra bảo lãnh cho các công ty thành viên được vay vốn. Nhưng đến nay, hoạt động này không được phép nữa nên các công ty thành viên lại lâm cảnh khốn đốn, bởi đây đều là những DN vừa và nhỏ, ngân hàng sợ rủi ro nên không dám cho vay.

Vì thế, Hapro đành phải nghĩ “kế sách” là Công ty mẹ cho công ty con vay vốn hoạt động. Ông Vượng thừa nhận, cách làm này “hơi không đúng” vì công ty mẹ không có chức năng hoạt động ngân hàng, vốn cũng có phần do công ty mẹ đi vay ngân hàng nhưng do “lực bất tòng tâm” nên phải thực hiện.

Riêng về đề xuất cần có gói tín dụng riêng cho ngành bán lẻ, theo điều tra đánh giá về độ cản trở trong tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động bán lẻ của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 53% DN được hỏi cho rằng, sự thiếu vắng gói tín dụng riêng này đang gây nhiều cản trở cho việc tiếp cận vốn.

Chính vì thế, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI cho hay, VCCI đang tham gia vào hội đồng tư vấn xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Từ những khó khăn của DN bán lẻ nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng, VCCI có gợi ý trong luật nên có những quy định về việc giảm lãi suất cho vay, thành lập những quỹ tín dụng riêng cho từng loại hình DN và có biện pháp bảo lãnh hiệu quả giúp DN không cần dùng đến tài sản thế chấp khi vay vốn.

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, những kiến nghị trong Chiến lược phát triển ngành bán lẻ đã được cụ thể hóa, được ghi nhận thành chiến lược phát triển tổng thể cho thương mại nội địa. Điều này cho thấy, Chính phủ đã chú trọng hơn đến hoạt động của các DN bán lẻ, để từ đó sẽ có những hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc cho các DN.

Nhìn chung, các DN ngành bán lẻ đều mong muốn Nhà nước và các ngân hàng có những sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách tín dụng để họ có được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tăng sức cạnh tranh với DN FDI. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tổ chức các diễn đàn trao đổi giữa ngành bán lẻ và các tổ chức tài chính để cùng tìm hiểu nhu cầu của ngành bán lẻ và khuyến khích các tổ chức này cân nhắc việc thiết kế các gói tín dụng phù hợp, cải thiện vướng mắc về vốn cho DN bán lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các chính sách về vốn của Nhà nước cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh lạm dụng để không đi ngược với cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).(HQ)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục