tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 16-08-2016

  • Cập nhật : 16/08/2016

Lật tẩy “đường dây” tuồn hàng giả vào Việt Nam

Vì mục tiêu lợi nhuận, trên thị trường hiện đang xảy ra tình trạng: Cứ hàng hóa có thương hiệu, có uy tín, được ưa chuộng thì lập tức có hàng giả.

Thời gian qua nổi lên tình trạng sản xuất các loại thực phẩm chức năng giả làm đẹp cho phụ nữ. Lực lượng cảnh sát kinh tế đã bắt giữ nhiều vụ lớn với tang vật là hàng tấn thực phẩm chức năng giả.

Hàng giả ngập tràn từ đời thực đến… online

Tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và vai trò của báo chí” vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, hàng giả xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Cư - đại diện Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an cho biết, hàng giả xâm phạm SHTT phần lớn được sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), sau đó được đưa vào Việt Nam để gắn nhãn mác giả và tiêu thụ. Các loại hàng giả này thường được đưa vào bằng cả đường chính ngạch, tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu qua biên giới phía Bắc, đường hàng không, đường biển.

 

Đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Với lĩnh vực như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đối tượng cầm đầu thường là những người có chuyên môn, am hiểu về chuyên ngành, thậm chí là giám đốc công ty, chỉ đạo nhân viên trực tiếp sản xuất hoặc đặt Trung Quốc sản xuất. Đối tượng vận chuyển hàng từ Trung Quốc về thường là cư dân khu vực biên giới, nơi buôn bán tiêu thụ hàng giả là các trung tâm thương mại, chợ cửa khẩu hoặc các cửa hàng bán hàng trà trộn cả thật lẫn giả. Có một số ít đối tượng đưa hàng giả tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng (NTD).

Đối với hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất ở nước ngoài, các đối tượng đặt hàng dưới dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, chi tiết, bao bì rời, sau đó nhập lậu vào Việt Nam để lắp ráp, đóng gói, tiêu thụ. Nếu bị bắt giữ trên đường vận chuyển thì cơ quan chức năng không thể xử lý được hàng giả vì không chứng minh được ý thức chủ quan của đối tượng vận chuyển; hoặc hàng hóa mới chỉ là các chi tiết, chưa có nhãn mác và chưa là sản phẩm hoàn chỉnh.

Đối với hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất hoặc lắp ráp, đóng gói trong nước, các đối tượng thường thuê địa điểm hẻo lánh, ngõ cụt, khu vực giáp ranh vừa để ở, vừa để làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện. Việc sản xuất được giữ bí mật, chia ra nhiều công đoạn, nhiều nơi khác nhau như nơi đặt in vỏ bao bì, nhãn mác, nơi pha, trộn, thay nhãn mác, nơi đóng gói.

Ông Vũ Xuân Bính - Phó Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường cho biết thêm: “Việc kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT online cũng ngày càng phổ biến và rất khó xử lý bởi không thể biết được hình ảnh đăng lên là hàng thật hay hàng giả. Chưa kể, cũng rất khó kiểm tra được nơi bán vì người bán hàng online không cần có hàng sẵn trong khi vẫn nhận bán bao nhiêu cũng được. Khi lập biên bản xử lý vi phạm “tại trận” thì phát sinh vấn đề là người chuyển hàng chối trách nhiệm mà đẩy sang cho người bán”.

6 tháng, xử phạt gần 1.000 vụ

Theo ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN, 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ đã xử lý trên 50 vụ việc theo đề nghị của chủ thể quyền và cảnh sát kinh tế. Số liệu từ Cục SHTT (Bộ KHCN) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã tiếp nhận 26.707 đơn về bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, bảo hộ về sáng chế là 2.399 đơn, kiểu dáng công nghiệp là 1.325, nhãn hiệu đăng ký quốc gia là 19.723 và nhẫn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định VN là 3.016 đơn…

Mặt khác, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng qua đã phát hiện 925 vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì với tổng số tiền xử phạt là hơn 5,5 tỉ đồng. Vi phạm về tem giả, nhãn bao bì hàng hóa là 222 vụ xử phạt hơn 743 triệu đồng. Vi phạm về xâm phạm quyền SHTT là 195 vụ, xử phạt hơn 1,4 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát kinh tế cũng đã phát hiện 286 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, trong đó đã khởi tố 49 vụ.

Trước “cơn lốc” hàng giả đang càn quét, ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo (Cục SHTT) cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao công tác quản lý nhà nước về phòng chống tội phạm xâm phạm SHTT thì việc nâng cao ý thức của NTD cũng rất quan trọng. Ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN cho biết thêm, giải pháp trong thời gian tới là sẽ ký kết chương trình phối hợp hành động giữa các Bộ/ngành về hợp tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 3 (2016 - 2020).(Laodong) 


Hà Nội: “Siết” chặt hoạt động sản xuất nước uống đóng chai

Trong tháng 8 này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội tổ chức đợt cao điểm tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở nước uống đóng chai.

Hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tại Hà Nội bị phát hiện không đạt chuẩn

Theo đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ kiểm tra các đơn vị từng có vi phạm, thẩm định lại các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời thanh tra đột xuất tại một số nơi, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường.

Những cơ sở cố tình vi phạm, tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm và danh tính sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Ông Trần Ngọc Tụ – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 319/455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn thành phố.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở đã có sự cải thiện nhanh về cơ sở vật chất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định; chai, bình nước có nguồn gốc rõ ràng, được vệ sinh ngoại cảnh.

Bên cạnh đó, tại một số cơ sở sản xuất vẫn còn tình trạng thành phẩm để trên sàn nhà. Việc làm sạch bình tái sử dụng; chiết, đóng bình mang tính thủ công nên số mẫu kiểm nghiệm không đạt vệ sinh về chỉ tiêu vi sinh vật cao.

Việc ghi chép lịch trình hệ thống lọc chưa tốt và chưa kịp thời kiểm nghiệm định kỳ thành phẩm cũng như nguồn nước sử dụng cho sản xuất (cơ sở dùng nước giếng khoan).

Các vi phạm chủ yếu ở những cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng.(DDDN)


Loạn thị trường cá tra miền Tây do có “bàn tay” thương lái Trung Quốc

Cùng một số nguyên nhân khách quan thì yếu tố làm loạn thị trường của các thương lái Trung Quốc đã làm cho vùng nuôi cá tra miền Tây hỗn loạn.

Giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL đã sụt giảm xuống mức kỷ lục. Người nuôi từ tâm trạng phấn khởi do có lợi nhuận từ những tháng đầu năm, nay lại chuyển sang trạng thái lo âu do cá đã đến kỳ thu hoạch, lớn quá cỡ nhưng khâu tiêu thụ bị tắc.

Theo phản ánh từ vùng nuôi, cùng một số nguyên nhân khách quan thì yếu tố làm loạn thị trường của các thương lái Trung Quốc đã làm cho vùng nuôi cá tra hỗn loạn.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang giờ đây nhìn hầm cá tra còn lại đã quá lứa mà lòng đầy lo âu. Theo ông Nguyên, dù đã chạy đi khắp nơi, nài nỉ các doanh nghiệp, thương lái thu mua với giá thấp nhưng vẫn chưa có một lời hồi âm nào. Với kinh nghiệm nuôi và bán loại cá có thế mạnh xuất khẩu này hàng chục năm, ông Nguyên cho rằng đây là điều rất bất thường. Bởi lẽ những năm trước, thời điểm này khi vừa xong mùa hè là cá tra bắt đầu tăng giá. Còn nay, cá đã quá thời điểm thu hoạch mà bóng dáng thương lái, nhà máy sản xuất chẳng thấy đâu.

Tại ĐBSCL hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang có những diễn biến bất lợi với mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, thấp hơn 4.000-4.500 đồng/kg so với thời điểm đầu năm nay và giảm hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với những nguyên nhân khách quan thì việc cá tra không được các thương lái phía Trung Quốc thu mua ồ ạt cũng làm cho thị trường thêm bất lợi. Theo số liệu của Hiệp hội cá tra Việt Nam, gần sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 100 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thời điểm đầu năm, nhiều hầm nuôi cá tra size lớn vẫn được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao; đồng thời không chú trọng nhiều đến việc kiểm tra chất lượng, thịt vàng hay thịt trắng. Chính vì thế, ở một số khu vực tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... đã xuất hiện người nuôi chủ động để cá quá lứa để dễ dàng bán cho thương lái Trung Quốc.

Ông Cao Lương Tri, hộ nuôi cá tra nhiều năm qua ở Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên cho rằng, thị trường Trung Quốc luôn biến động, khó lường. Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc và cả những thương lái Việt làm hệ thống chân rết để mua cá, chế biến thô rồi xuất sang Trung Quốc cũng dùng nhiều chiêu trò, rất khó lường để mời chào, tạo sự hấp dẫn bước đầu đối với một số hộ nuôi rồi sau đó đành ôm "quả đắng".

Rõ ràng, việc giá cá tra tăng mạnh trong các tháng đầu năm, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc tăng là tín hiệu vui. Nhưng việc có nhiều đơn hàng số lượng lớn, giá tốt của các thương lái Trung Quốc đưa ra nhưng không đòi hỏi cao về kiểm soát chất lượng như các thị trường Hoa Kỳ, EU... là một vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận; đồng thời cần sự vào cuộc “tỉnh táo” hơn từ các cơ quan hữu quan.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang, thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi phần lớn xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch mà trong đó bài học nuôi cá tra để quá size như gần đây là một bài học đáng tiếc.

Việc một số thương lái Trung Quốc sử dụng các chiêu trò để đẩy giá cá tra lên cao cho thấy, bản chất của vấn đề vẫn không mới hơn so với những lần thu mua nông sản kỳ lạ như cau non, lá bần, bông thanh long...

Thương lái Trung Quốc tìm mọi cách nâng giá mua cá tra lên cao, để rồi nhiều hộ nuôi mất cảnh giác, từ chối các doanh nghiệp trong nước mà sản xuất theo yêu cầu "khác người" của thương lái nước ngoài. Vì lợi nhuận trước mắt quá lớn nên nhiều hộ nuôi khó tránh được bẫy. Bởi những lần thu hoạch sau, sản phẩm cứ chất đổ đống mà thương lái thì biệt tâm. Đây cũng chính là “quả đắng” mà một lần nữa người nông dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả./.(VOV)


Nguy hại đủ đường từ tôm khô "bẩn"

Tôm khô là thực phẩm được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng tôm khô không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho người tiêu dùng hoang mang...

Nguy hại đủ đường từ tôm khô...

Hiện nay, nhiều hộ sản xuất bổ sung thêm phẩm màu để giúp sản phẩm có màu sắc bắt mắt. Vì lợi nhuận trước mắt, mà sử dụng chất phẩm mầu hóa học vô cùng độc hại. Các sản phẩm này giúp tôm có màu đỏ đẹp mắt, tuy nhiên lại gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là gây hại lên gan và thận của người tiêu dùng.

Các hóa chất tạo màu chủ yếu là các chất độc hại, nếu sử dụng thường xuyên thì phải mất một thời gian dài mới phát bệnh nên nhiều người chủ quan.

Ngoài ra, để tăng độ dai, độ giòn cho tôm khô, nhiều hộ sản xuất dùng cách ướp fooc-môn. Đây cũng là một chất gây hại cho sức khỏe. Nó được xem là tác nhân gây bệnh viêm da dị ứng, nổi mề đay... Khi vào cơ thể, fooc-môn làm rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến dạ dày của người dùng. Cơ thể chứa nhiều chất này dễ tăng khả năng bị ung thư tại nhiều cơ quan. Trong đó có ung thư đường tiêu hóa, ung thư hệ hô hấp...

 

Ngoài ra, fooc-môn còn là một trong những nguyên nhân gây ra sự sai lệch cũng như biến dị các nhiễm sắc thể. Thai phụ dùng các sản phẩm tôm khô chứa fooc-môn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hấp thụ lượng lớn chất độc này còn làm thai nhi bị dị dạng.

Ngoài ướp phẩm màu ra, hiện nay các hộ sản xuất muốn tăng lợi nhuận nên sử dụng nguyên liệu là tôm thối. Những nguyên liệu này vốn không tốt cho sức khỏe của người dùng. Thêm vào đó, để cứu vãn hương vị cũng như màu sắc của sản phẩm, họ phải thêm vào rất nhiều hóa chất. Việc này giúp món tôm khô bắt mắt không kém sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, người ăn nhiều sản phẩm tôm khô kém chất lượng sẽ khiến sức khỏe bị giảm sút, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tật.

Nguy hiểm hơn hết là hiện nay trên thị trường đã xuất hiện tôm khô làm từ nhựa và cao su, đã được nhiều báo đài thông tin và cảnh báo. Nhưng loại tôm này vẫn xuất hiện và tiêu thụ ngày càng nhiều, vì loại tôm này đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người. Loại tôm khô không rõ nguồn gốc thường được bán ra từ những gánh hàng rong hoặc nơi bán nhỏ lẻ.

Cao su hay nhựa vốn là những chất gây hại cho cơ thể. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng không thể tiêu hóa, về lâu dài có thể gây ra các tác hại đến các cơ quan ngũ tạng trong cơ thể. Ngoài ra, những chất độc đi kèm với tôm cao su có thể ảnh hưởng trực tiếp khi ăn như tắc nghẽn đường tiêu hóa, đau bụng, thậm chí là ngộ độc...

Theo các nhà nghiên cứu, tôm khô làm bằng cao su khi chế biến ở nhiệt độ cao sẽ bị biến dạng, sinh ra các chất gây hại cho sức khoẻ. Đặc biệt, nếu trong thành phần có nhựa melamine, chúng có thể làm người ăn bị ung thư hoặc vô sinh, nguy hiểm hơn nếu liều lượng đạt mức 3g/1kg thì sẽ gây tử vong cho người sử dụng.

Cách chọn mua tôm khô không hóa chất, và cao su...

Màu sắc: Tôm khô tự nhiên màu thường kém bắt mắt hơn. Tôm tẩm hóa chất màu tươi, sặc sỡ. Cụ thể, với tôm khô tự nhiên sẽ có màu hồng ở phần đuôi tôm, phần bụng tôm có màu hơi trắng ngà của thịt tôm, phần sống lưng vẫn còn ruột tôm màu đen. Còn đối với tôm tẩm hóa chất, màu tôm có thể là màu cam, đỏ hoặc hồng chóe đều khắp thân tôm.

Kích thước: Tôm khô chuẩn phải là tôm đánh bắt từ biển. Có hai loại được dùng làm tôm khô là tôm bạc và tôm huyết. Loại tôm này kích thước thường nhỏ hơn chiếc đũa. Còn nếu tôm khô mà to hơn chiếc đũa thì phần lớn là tôm sú nuôi hoặc tôm chón đánh ngoài biển. Ngoài ra, có một khả năng nữa là tôm được ngâm hóa chất cho nở to ra.

Giá thành: Tôm tươi mua ở biển có giá khoảng 50-60.000 đồng/kg. Khoảng 10 - 11kg tôm tươi mới cho ra 1kg tôm khô. Hơn nữa quy trình làm tôm khô rất thủ công và lâu, nhiều công đoạn: chích ra để lấy hết cát, rồi luộc, phơi khô từ 2-3 ngày dưới nắng, sau đó đập bóc vỏ tôm ra. Như vậy mỗi kg tôm tươi phải có giá thấp nhất khoảng 450-500.000 đồng thì chủ hộ mới có lãi, nhưng hiện nay, do nhiều người tham rẻ và không biết, nên chọn loại dưới 350.000 đồng mà không hay mình đã chọn loại tôm tẩm hóa chất được chế biến từ loại tôm rẻ tiền và không được chế biến theo đúng quy trình

Ngoài những cách trên khi mua về muốn chắc ăn hơn thì người tiêu dùng có thể thử nghiệm bằng các cách sau:

Ngâm nước: Nếu là loại tôm tẩm hóa chất, chỉ cần ngâm nước lạnh hoặc nước nóng một lúc sẽ phai màu ra đầy bát nước, còn tôm khô tự nhiên, con tôm chỉ nở ra và bát nước vẫn trong.

Ăn thử: Tôm phải được phơi thật khô, con tôm cứng chứ không mềm, ăn thử thì rất ngon và ngọt, có vị thơm đặc trưng. Nếu là tôm nhuộm màu hay tẩm hóa chất thì vị ngọt và mùi thơm tự nhiên của tôm sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều mùi hóa chất.

Những thông tin trên là tông tin nhận biết tôm ngâm hóa chất. Còn cách nhận biết tôm khô thật và tôm cao su thì người tiêu dùng nên phân biệt bằng cách sau.

Về màu sắc, những con tôm khô mà người dân mua bị nghi làm từ nhựa hoặc cao su có màu bạc. Trong khi đó những con tôm khô bình thường có màu hồng đỏ tự nhiên rất đẹp.

Mùi tôm khô thật rất thơm, không cần đưa gần mũi mà chỉ cần để mớ tôm khô trên tay là đã thấy mùi thơm quyến rũ của tôm. Không có mùi cao su, mùi nhựa hay mùi lạ của những loại tôm giả.

Cho vào cối giã, nếu là tôm khô giả làm từ nhựa hay cao su, thì hình dạng tôm sẽ không thay đổi và thậm chí còn nẩy lên bắn ra ngoài. Nếu là tôm thật thì thân tôm sẽ bị bẹp ra, thịt bung ra từng mảnh.

Ngoài ra bạn có thể phân biệt bằng cách ăn thử. Nếu là tôm tự nhiên, ăn thử thì rất ngon và ngọt, kết hợp với hương thơm rất khó quên. Còn nếu là loại tôm giả bị nghi làm từ cao su, chắc chắn sẽ rất khó nhai, mùi vị rất khó chịu.

Ngoài ra, có thể phân biệt tôm cao su và tôm tự nhiên bằng cách cho tôm khô vào ngâm với nước. Tôm thật sau 1 thời gian sẽ trương nở, còn tôm giả thì không nở mà giữ nguyên. Ngoài ra nếu bỏ lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là tôm giả thì sẽ nóng chảy ra có mùi khét cao su hay nhựa, còn tôm thật thì sẽ chín thơm. Ngoài ra nếu dùng tay bẻ, nếu là tôm giả làm từ cao su hay nhựa, bạn sẽ khó thực hiện được bởi loại tôm này cứng và dùng tay cạy bẻ rất khó hơn so với tôm khô bình thường, với tôm khô tự nhiên, thân tôm sẽ hơi dai khi khô, có thể tách thân tôm bằng tay.(NNVN)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục