tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 20-06-2016

  • Cập nhật : 20/06/2016

Viện phí sắp tăng khoảng 50%

Theo tính toán, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục ngàn dịch vụ kỹ thuật tăng giá

Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Y tế lên “kịch bản” dự báo tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và đời sống của người dân sau khi tăng viện phí đồng thời nghiên cứu viện phí áp dụng cho đối tượng không có bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian tới. Dự kiến, viện phí sẽ được điều chỉnh vào cuối tháng 8-2016 với mức tăng khoảng 50% so với viện phí trước tháng 3. Trước mắt, viện phí sẽ tăng tại những tỉnh, thành phố có số người dân tham gia BHYT đạt tỉ lệ cao.

Điều chỉnh thành nhiều đợt

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết bộ này đang đề xuất điều chỉnh viện phí mới thành nhiều đợt, mỗi đợt thực hiện từ 8-12 tỉnh, thành phố và trước mắt chỉ áp dụng cho người có BHYT.

Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 8-2016 với các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT từ 95% trở lên; từ tháng 10 tại các tỉnh, thành có tỉ lệ khoảng 90%; tháng 11 tại các địa phương có tỉ lệ trên 85% và tháng 12 tại nơi có tỉ lệ trên 80%. Các tỉnh, thành còn lại sẽ áp dụng viện phí mới vào tháng 1-2017. Các bệnh viện (BV) thuộc trung ương đóng tại địa bàn nào thì sẽ điều chỉnh cùng thời điểm điều chỉnh viện phí tại địa phương đó.

Theo danh sách BHXH Việt Nam cung cấp, 5 tỉnh hiện có tỉ lệ bao phủ BHYT từ 95% dân số trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Y tế được thông qua thì 5 tỉnh này sẽ tăng viện phí vào cuối tháng 8.

Trước đó, vào tháng 3, liên bộ Tài chính - Y tế đã điều chỉnh giá của gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế. Giá điều chỉnh lần đó mới chỉ cộng thêm phụ cấp trực ngày/giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Trong đợt điều chỉnh sắp tới, viện phí sẽ bao gồm cả lương nhân viên y tế. Theo tính toán, viện phí lần này sẽ tăng khoảng 50% so với trước thời điểm tháng 3.

Đến nay, 9 BV trực thuộc Bộ Y tế tự chủ hoàn toàn về tài chính đã được tính viện phí bao gồm cả lương và phụ cấp ngay từ ngày 1-3. Cụ thể, đó là các BV: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Răng Hàm Mặt TP HCM, Nội tiết và Phụ sản Trung ương.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết ngoài gần 1.900 dịch vụ đã được điều chỉnh, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Bộ Y tế ban hành giá của hơn 17.000 dịch vụ kỹ thuật khác và “phiên tương đương” cho hơn 6.000 dịch vụ của 26 chuyên khoa khác nhau.

“Danh mục kỹ thuật BHYT chi trả hiện có gần 25.000 dịch vụ, đầy đủ các danh mục kỹ thuật. Các BV sẽ không còn phải lúng túng, khó khăn trong việc thanh toán BHYT vì không tìm được kỹ thuật đã điều trị cho bệnh nhân trong danh mục quy định” - ông Sơn nhìn nhận.

Bảo hiểm “gánh” hộ người bệnh

Theo tính toán, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục ngàn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%.

Đơn cử, dịch vụ phá thai to từ tuần 13 đến tuần 22 tăng từ 430.000 lên 1 triệu đồng; mổ quặm 4 mi gây tê tăng từ 790.000 đồng lên gần 1,2 triệu đồng; cắt amidan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng; cắt ung thư vùng hàm mặt và tạo hình tại chỗ từ 5,9 triệu đồng lên 7,2 triệu đồng, cắt ung thư lưỡi từ 6,8 triệu đồng lên 8,2 triệu đồng; cắt u máu, u bạch huyết lồng ngực từ 6,7 triệu đồng lên gần 8 triệu đồng…

Các dịch vụ kỹ thuật như: siêu âm đen trắng từ 30.000 đồng tăng lên 49.000 đồng/dịch vụ, siêu âm 4D từ 407.000 đồng lên 446.000 đồng, chụp X-quang từ 36.000 đồng lên 47.000 đồng… Giá khám bệnh tại các BV hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt, BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Cùng đó, giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực tại các BV hạng đặc biệt cũng tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh loại đặc biệt đối với các bệnh nội khoa: hô hấp, truyền nhiễm, ung thư, tim mạch… từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, sản không mổ, tai biến… cũng tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…

Ông Nguyễn Nam Liên cho hay sau khi viện phí tăng với đối tượng có BHYT, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng viện phí với đối tượng chưa có BHYT. Với mức tăng viện phí như vậy, nếu người dân không có BHYT sẽ gặp khó khăn rất lớn khi ốm đau.

“Hiện nay, vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT. Do đó, thời gian tới, ngành BHXH cũng như các bộ, ngành khác cần có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của BHYT” - ông Liên nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, sau hơn 2 tháng thực hiện viện phí mới, dù cộng thêm phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật nhưng người bệnh vẫn hạn chế được chi phí tiền túi do phải mua thêm vật tư bên ngoài. Chẳng hạn, với thủ thuật xông tiểu, trước đây người bệnh phải mua thêm dây xông bên ngoài với giá dịch vụ thì nay, dù phải đồng chi trả thì mức thanh toán vẫn thấp hơn giá vật tư mà họ phải bỏ tiền túi ra mua riêng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), nhận xét viện phí tăng giúp người bệnh được hưởng dịch vụ chất lượng hơn, đỡ chi tiền hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 30%-40% bệnh nhân điều trị tại BV Việt Đức chưa có BHYT, trong khi các dịch vụ ở BV tuyến cuối như Việt Đức có giá rất cao. Nếu người dân không tham gia BHYT thì khi bị tai nạn, cấp cứu có chỉ định phẫu thuật và sử dụng kỹ thuật cao sẽ rất nặng gánh viện phí.(NLĐ)


Vỡ hồ chứa nước khai thác titan: Bộ Tài nguyên nói gì

Theo Bộ TN&MT, kết quả kiểm tra tại nơi xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước tuyển quặng titan ở mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho thấy, chủ dự án là Công ty TNHH Tân Quang Cường có nhiều tồn tại, thiếu sót.

Theo thông tin từ đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sáng 16/6 tại mỏ titan Nam Suối Nhum xảy ra sự cố vỡ bờ moong chứa nước để khai thác, tuyển quặng titan; tổng diện tích bị ảnh hưởng là 2ha với chiều dày lớp cát khoảng 0,4m. Thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 778 triệu đồng.

Qua kiểm tra bước đầu, đoàn công tác của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường tại khu vực xảy ra sự cố còn một số tồn tại, thiếu sót như chưa hoàn thành việc ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản, chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác theo quy định, chưa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt, chưa có Giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác tại mỏ để xử lý dứt điểm sự cố, đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và khắc phục xong các tồn tại, thiếu sót.

Dự kiến, sau khi có báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ báo cáo chính thức, kiến nghị hình thức xử lý, gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT ngày 20/6.


Kỷ luật Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Quyết định thi hành kỷ luật ông Đặng Ngọc Tân, Đảng viên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Ông Đặng Ngọc Tân bị kỷ luật với hình thức khiển trách, do vi phạm những điều Đảng viên không được làm. Ông Tân đã thực hiện chưa tốt quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ; đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa minh bạch, rõ ràng, không được sự đồng thuận của ban lãnh đạo.

Trong lãnh đạo, điều hành, ông Tân để xảy ra vi phạm quy định của Nhà nước về việc lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, làm chậm tiến độ thi công công trình, gây lãng phí ngân sách nhà nước , tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín tập thể và cá nhân.


Ninh Bình có tân Chủ tịch HĐND tỉnh

bi thu tinh uy ninh binh nguyen thi thanh va cac dai bieu chuc mung ong tran hong quang duoc bau giu chuc vu chu tich hdnd tinh khoa xiv. anh: bao ninh binh

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu chúc mừng ông Trần Hồng Quảng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XIV. Ảnh: Báo Ninh Bình

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình Trần Hồng Quảng vừa được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 16/6, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV đã tổ chức kỳ họp thứ nhất để thực hiện công tác nhân sự, bầu các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021; thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và đổi tên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình thành Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình.

Trên tinh thần tập trung, dân chủ, các đại biểu đã bầu ông Trần Hồng Quảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2016-2021. Bà Bùi Mai Hoa và ông Đinh Ngọc Hà được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Các chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban HĐND tỉnh Ninh Bình và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh khóa XIV cũng được bầu với số phiếu tập trung cao.

Tại kỳ họp, ông Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khóa XIII tái đắc cử Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khóa XIV. Các ông Đinh Chung Phụng, Tống Quang Thìn, Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khóa XIII tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khóa XIV.


Chủ tịch ADB: Chính phủ Việt Nam phải chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn

Đó là lời khuyên của ông Takehiko Nakao – Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong buổi họp báo mới đây.

Theo ông Takehiko Nakao, hiện tại, Việt Nam đã đạt được tình trạng ổn định hơn nhiều so với một năm trước: lạm phát bình ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt hơn trong thời gian vừa qua.

Cụ thể,Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng mức 2015 – ông Nakao kỳ vọng – cho dù nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn.

Ông cũng dự báo mức này sẽ duy trì khoảng 6,5% trong năm 2017, còn lạm phát ở mức 3% trong năm nay, so với mức trung bình chỉ 0,6% của năm ngoái.

Kinh tế Việt Nam đã hồi phục – Chủ tịch ADB nhận định, ông cũng chia sẻ niềm vui khi Việt Nam đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn.

“ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững”, ông Nakao cam kết.

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB cho rằng có một vấn đề quan trọng, cần được Chính phủ Việt Nam lưu ý, là làm sao tăng được nguồn thu ngân sách, đặc biệt là quản lý được chi tiêu thường xuyên hiệu quả hơn.

Trong những cuộc thảo luận của mình, ADB nhận thấy nợ của Việt Nam đã gần sát ngưỡng trần 65% GDP, đặc biệt vay trong nước đã gần ngưỡng 65% GDP. Đối vốn vay từ bên ngoài với ADB, số tiền cũng lên đến 1 tỷ USD/năm.

Do đó, các cơ quan nhà nước của Việt Nam cần giải quyết đến các vấn đề liên quan đến tính bền vững nợ bằng cách cải thiện nguồn thu nội địa, nâng cao hiệu quả chi tiêu thường xuyên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục