tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 15-06-2016

  • Cập nhật : 15/06/2016

Việt Nam đề nghị ASEAN và Trung Quốc hợp tác xử lý vấn đề Biển Đông

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hôm nay kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng hành động cụ thể.
pho thu tuong, bo truong ngoai giao pham binh minh. anh: reuters.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Reuters.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn ra hôm nay tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà và Singapore. Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung là quan hệ ASEAN – Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng như hòa bình, an ninh khu vực. Ông bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và hệ lụy liên quan.

Phó thủ tướng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam và ASEAN coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông đề xuất định hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, tăng cường phối hợp trong xử lý các thách thức an ninh chung ở khu vực, kể cả ở Biển Đông.

Tại hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao còn thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, tích cực phối hợp tiến hành các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại trong năm 2016.

Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc.

Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.

Các bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982.

Các bộ trưởng nhất trí sớm hoàn tất dự thảo Tuyên bố về cam kết thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển để trình Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN – Trung Quốc, tổ chức vào tháng 9 tại Lào, thông qua cũng như vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao về xử lý vấn đề nảy sinh ở Biển Đông.


Công ty con của Vinalines chi tiền tỷ trả lương cho sếp dù thua lỗ triền miên

Đại gia vận tải Vosco một thời giờ đây chìm trong vòng xoáy thua lỗ, cổ phiếu có giá trị bằng cốc trà đá, nhưng lãnh đạo công ty vẫn nhận lương thưởng cao.

Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) tiếp tục trượt dài trên các cung đường vận tải biển với việc lỗ 45 tỷ đồng trong quý I/2016. Gánh nặng vay nợ luôn đeo đẳng các con tàu của Vosco, lỗ lũy kế lên tới gần 500 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản đạt 4.543 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên tới 3.580 tỷ. Nhiều năm liền công ty không trả cổ tức.Vosco được thành lập từ năm 1970, năm 2008 chính thức chuyển đổi sang mô hình cổ phần. Đến nay, Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 51% cổ phần. Công ty có vốn điều lệ 1.400 tỷ.

vosco gio day chim trong thua lo do tac dong cua kinh te the gioi

Vosco giờ đây chìm trong thua lỗ do tác động của kinh tế thế giới

Công ty từng nổi danh là những "thủy thủ" với nhiều cái nhất. Ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, Vosco trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam.Với đội tàu hùng mạnh, công ty đã nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia, Đông Phi, Nam Âu,…

Năm 1974, Vosco thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam thực hiện phương thức vay vốn để phát triển đội tàu: mua 3 tàu Sông Hương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong quá khứ, Vosco từng quản lý và khai thác hàng trăm tàu. Số lượng tàu của công ty giảm dần, hiện còn 19 tàu, có độ tuổi trung bình 12,5 năm.

Từ một doanh nghiệp hàng hải có đội tàu hùng mạnh, lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm, giờ đây Vosco chìm trong vòng xoáy thua lỗ.

Giai đoạn 2012-2013 công ty lỗ tổng cộng 223 tỷ đồng do kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, số lỗ này còn bắt nguồn từ việc vay nợ ngân hàng quá lớn để đóng mới và mua tàu biển. Cuối năm 2013, Vosco nợ ngân hàng hơn 3.000 tỷ đồng. Gánh nợ quá lớn khiến chi phí cho mỗi tàu cao, đẩy giá chiếm 77-92% trên doanh thu.  

Trước án hủy niêm yết, Vosco năm 2014 đã phải bán bớt hai tàu là Diamond Star và Silver Star với giá khoảng 10,5 triệu USD, đem về 74 tỷ đồng lợi nhuận giúp cổ phiếu VOS trụ hạng.

Năm 2015, Vosco xác định sẽ lỗ 100 tỷ, song tình hình xấu ngoài dự đoán khiến số lỗ tăng lên 294 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kinh tế thế giới chưa hồi phục, thị trường hàng hải thế giới bị rơi vào hoảng loạn đã tác động mạnh tới giá cước, giá thuê tàu biển. Chỉ số BDI năm qua có thời điểm giảm xuống 471 điểm, thấp nhất trong 30 năm qua. Trong khi đó, nguồn cung tàu mới ra thị trường ngày càng lớn đẩy nhóm tàu chủ lực của công ty vào thế "mong manh".

Kinh doanh bết bát, song lãnh đạo của Vosco luôn nhận lương cao hơn so với thị trường. Năm 2015, Tổng giám đốc Cao Minh Tuấn có thu nhập trên 880 triệu đồng, tương ứng 73 triệu đồng một tháng. Hai Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Hoàng Dũng và Lâm Việt Tiến có thu nhập lần lượt ở mức 751, 721 triệu đồng, tương ứng trên 60 triệu đồng một tháng.

Ông Nguyễn Quang Minh, Lâm Phúc Tú  giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc cũng có mức thu nhập gần 700 triệu đồng.

Quỹ lương năm 2015 giữ ổn định ở mức 169 tỷ, số nhân viên 1.112 người. Năm 2014, quỹ lương cũng đạt 167 tỷ đồng.

Năm 2013, khi đó ông Vũ Hữu Chinh còn làm Chủ tịch đã nhận về 920 triệu đồng, năm 2012 là 967 triệu, năm 2014 giảm xuống 825 triệu đồng do bổ nhiệm Chủ tịch mới cuối năm. Ngoài ra các lãnh đạo khác cũng có mức thu nhập cao, bất chấp công ty thua lỗ.

Vận tải biển đang trải qua thời kỳ đen tối nhất, con tàu Vosco đang chông chênh giữa bão tố. Vay nợ ngân hàng để đóng tàu, mỗi biến động về lãi suất, thanh toán đều tác động đến đại gia vận tải này.

Lên sàn từ năm 2010 với giá 18.000 đồng, thua lỗ triền miên đã đẩy cổ phiếu VOS xuống mức giá bèo 2.200 đồng. Vosco thua lỗ khiến con tàu Vinalines ngày càng nặng nề hơn do tập đoàn này vẫn nắm 51% cổ phần tại đây. Ngoài ra, Ngân hàng Á Châu chiếm 9%, Quỹ Mutual Fund Elite chiếm 5,61%. 


Chôm chôm Long Khánh vào 'bảng vàng' đặc sản quốc gia

Chôm chôm “Long Khánh” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là loại sản vật thứ 44 của cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứng tỏ chôm chôm Long Khánh có danh tiếng và khẳng định chất lượng đặc thù mà chôm chôm vùng khác không thể giống được.
trong nhieu loai chom chom, chi moi co chom chom long khanh vua duoc bao ho chi dan dia ly. anh: quynh nhu

Trong nhiều loại chôm chôm, chỉ mới có chôm chôm Long Khánh vừa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Quỳnh Như

 
Theo sự bảo hộ này, chôm chôm ở mọi nơi khác không được gọi là chôm chôm “Long Khánh”. Chỉ có chôm chôm nhãn hoặc chôm chôm tróc, trồng tại các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (thị xã Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), tỉnh Đồng Nai; được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm: thị xã Long Khánh, huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, mới được mang danh là chôm chôm Long Khánh.
Chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm tróc Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dày và đuôi có đốm xanh, vị ngọt.
Trong số gần 220 sản vật của cả nước mà Bộ Khoa học và Công nghệ từng thống kê, đến nay có 44 loại sản vật được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, gần đây nhất là sá sùng Vân Đồn, cam Cao Phong, tiêu Quảng Trị, ngán Quảng Ninh. Ngoài ra, có bốn chỉ dẫn địa lý nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam là rượu Cognac (Pháp), Pisco (Peru), rượu Scotch whisky, tơ tằm truyền thống Isan Thái Lan.

Quan hệ kinh tế Campuchia – Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng

Nhật báo “Tin tức Chùa Kinh đô” (Nokorwat News Daily) của Campuchia số ra ngày 14/6 có bài viết trên trang nhất kèm ảnh với nội dung cho rằng quan hệ kinh tế Campuchia – Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, bài báo mở đầu bằng việc nhắc lại việc Liên doanh Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khai trương chi nhánh thứ tám tại Campuchia, Nhà máy chế biến mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) xây dựng tại tỉnh Kongpong Thom… và coi đó là “những điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia đang không ngừng phát triển mạnh mẽ chỉ trong vòng một năm qua”. 

Bài viết cho rằng những con số ấn tượng về kim ngạch thương mại và giá trị đầu tư đủ nói lên sự gần gũi và bền chặt của mối quan hệ láng giềng song phương, ngoài ra những phân tích gần đây của các chuyên gia đều nhất trí tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Campuchia và Việt Nam còn rất lớn.

Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào cuối năm 2015, có thể nói chưa bao giờ doanh nghiệp hai nước lại có một cơ hội tốt như vậy để cùng mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Với thuận lợi là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới dài hơn 1.000 km và nhiều sự tương đồng về văn hóa, xã hội, Campuchia và Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD/năm trong thời gian tới. Trong 3 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 3,4 tỷ USD/năm, tăng trưởng thương mại bình quân 5,8%.

Theo các cơ quan chuyên môn hữu quan, trong giai đoạn 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ mới đạt khoảng 130-150 triệu USD/năm, nhưng từ năm 2005 đã tăng trung bình khoảng 30-40%/năm. Cụ thể, năm 2007 đạt hơn 1,2 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,6 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, năm 2010 đạt 1,8 tỷ USD và năm 2011 đạt 2,8 tỷ USD. 

Tính đến hết năm 2015, kim ngạch thương mại song phương Campuchia – Việt Nam đạt 3,37 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mục tiêu đưa kim ngạch lên 5 tỷ USD là hoàn toàn nằm trong tầm tay… Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia. Ngoài ra, Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượng du khách đến Campuchia trong những năm gần đây; đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Campuchia khi ra nước ngoài.

Bài viết dẫn lời Tham tán Công sứ Nguyễn Bảo, Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Campuchia, cho biết về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án với 2,85 tỷ USD đăng ký đầu tư tại Campuchia. Việt Nam tiếp tục là một trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Nhiều dự án có động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…

Ngoài các lĩnh vực thương mại, tài chính, sản xuất hàng tiêu dùng, lĩnh vực hợp tác nông nghiệp Campuchia – Việt Nam được coi là đang đi vào chiều sâu, vững chắc. Tháng 8/2015, tại lễ cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến mủ cao su của VRG, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương nhất quán củng cố và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia trên các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Campuchia, ông Yem Chhay Ly khẳng định dự án trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam ở Campuchia nói chung đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo cho người dân Campuchia. 

Khẳng định cơ hội đầu tư hợp tác Campuchia – Việt Nam còn nhiều triển vọng, bài viết dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, các cơ quan hữu quan hai nước cần chú trọng việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, thủ tục tạm nhập tái xuất. 

Bài báo kết luận, với nhiều chính sách phát triển kinh tế đất nước của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen, kinh tế thương mại của Campuchia ngày càng đạt được nhiều thành tựu đem lại lợi ích cho nhân dân Khmer, góp phần vào chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V; đồng thời tăng cường quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Campuchia – Việt Nam, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục