tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 17-07-2016

  • Cập nhật : 17/07/2016

Bán thuốc trừ sâu kiếm nghìn tỷ


Giật mình với con số gần 11% mẫu thịt kiểm tra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Đến nay mới chỉ có 38 tỉnh tham gia cùng với Bộ NN&PTNT xây dựng 294 chuỗi với 85 điểm bày bán kinh doanh thực phẩm an toàn có xác nhận.

Sáng nay Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Tổ chức FAO và Ngân hàng Agribank tổ chức Hội thảo Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực sự được xem là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay. Đây cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, các tổ chức, hiệp hội chính trị, xã hội, ngành nghề và nhân dân cả nước.

Đánh giá về hiện trạng vấn đề an toàn các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam và các chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã triển khai thời gian qua, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, về khung pháp luật và chính sách, các thành tố quan trọng trong quản lý an toàn thực phẩm, quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm soát nguy cơ an toàn thực phẩm từ trang trạng tới bàn ăn.

ong phung huu hao (anh vneconomy)

Ông Phùng Hữu Hào (ảnh VNEconomy)

Theo số liệu ông Hào cung cấp, thống kê đến T6/2016 cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (Loại A/B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,76% (lũy kế năm 2015 là 78,3%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 35,84% (lũy kế năm 2015 là 34,43%).

Bộ Nông nghiệp đã tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thuỷ sản nuôi. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy: Rau có 4,2% mẫu vi phạm trong đó thuốc bảo vệ thực vật chiếm 3,98% giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (5,17%), đáng báo động thịt có 10,93% mẫu vi phạm, trong đó vi sinh 9,7% giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (15,4%), hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng (chiếm 1,3%, giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (1,91%), thủy sản nuôi (1,61%) trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm (chiếm 1,41%, tăng so với cuối năm 2015 (1,14%).

Theo ông Hào về cơ bản Bộ Nông nghiệp đã ban hành đầy đủ các văn bản thuộc trách nhiệm theo quy định luật an toàn thực phẩm cũng như Nghị định 38 hướng dẫn thi hành luật an toàn thực phẩm.

Với chuỗi nông sản an toàn, ông Hào cho biết Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các chi cục nông sản thủy sản ở các địa phương phối hợp triển khai các đề án về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi, tuy nhiên việc triển khai đề án này còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất đề án này ban đầu được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản dự định trình Chính phủ ban hành để có sự vào cuộc của các bộ ngành và có nguồn ngân sách đủ để hỗ trợ cho hoạt động đề án. Tuy nhiên sau đó Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp ban hành đề án này dẫn đến khó khăn về ngân sách nên việc triển khai đề án nhiều khó khăn.

Theo ông Hào, đến nay mới chỉ có 38 tỉnh tham gia cùng với Bộ NN&PTNT xây dựng 294 chuỗi với 85 điểm bày bán kinh doanh thực phẩm an toàn có xác nhận.

Hiện nay Cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản đã hoàn thành dự thảo quyết định của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc xác nhận sản phẩm nông sản an toàn trong chuỗi thực phmn an toàn. "Chúng tôi hy vọng sau khi có văn bản hướng dẫn và sự vào cuộc của các địa phương thì các chuỗi thực phẩm an toàn sẽ được ngày càng phát triển nhân rộng hơn, số điểm bày bán sản phẩm an toàn có xác nhận sẽ ngày càng nhiều hơn", ông Hào nói.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP. Hà Nội thì cho biết chưa bao giờ cái ăn cái uống lại mang đến nhiều nối lo, làm nóng nghị trường Quốc hội như thời gian qua. "Rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng"… đó là những cụm từ biểu cảm xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều khi nói về thực phẩm bẩn, khiến nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sang đầu độc đồng loại vì lợi nhuận. Có lẽ ngôn từ đã thực sự bất lực trước nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau, đúng con đường từ dạ dày đến địa ngục chưa bao giờ ngắn thế như lời nhận xét gãy gõn của đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.

Theo ông Mạc Quốc Anh, muốn làm tốt công tác đảm bảo ATTP, cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng phải cộng đồng trách nhiệm. Để thắt chặt việc đẩy mạnh vấn nạn về Vệ sinh an toàn thực phẩm cơ quan quản lý phải cố gắng hơn, xiết chặt các qui định và thanh, kiểm tra để giám sát và ngăn chặn tối đa thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; tiếp tục rà soát, đưa ra các văn bản, qui định phù hợp, để có thực phẩm ngày càng an toàn hơn. Chính phủ phải quan tâm, phải đầu tư hơn nữa cho công tác quản lý, cho hệ thống tổ chức, các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP, có mức độ xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm.

Hiện nay thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Mạng lưới chợ được phân bố tới cấp xã, phường. Hầu hết các chợ đều có kinh doanh chế biến hàng thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm chủ yếu được lưu thông qua chợ bao gồm: thịt gia súc, gia cầm; hàng thuỷ, hải sản tươi sống; hàng rau, củ, quả; hàng lương thực, ngũ cốc; hàng ăn và đồ uống, thức ăn chín; hàng thực phẩm công nghệ tổng hợp (bánh kẹo, hàng khô...). Có thể nói chợ thực phẩm là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho mỗi gia đình.

Để đưa thực phẩm sạch vào các chợ cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đồng thời bảo đảm các điều kiện về VSATTP; kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến từ tất cả các khâu nhằm đảm bảo đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường.(NĐH)


Sau hạn mặn, cây giống tăng giá gấp 2-3 lần

Bắt đầu vào mùa mưa, cây giống trên địa bàn tỉnh Bến Tre bắt đầu tăng giá hơn so với cùng kỳ từ 2 đến 3 lần. Nguyên nhân chính là do hán hán, xâm nhập mặn và bắt đầu vào vụ xuống giống ở nhiều địa phương.

Hiện tại, ở huyên Chợ Lách (nơi được xem là “vương quốc” cây giống của cả nước) giá các loại cây giống như sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, chôm chôm được bán với giá cao nhất từ trước tới nay. Nếu như các năm trước giá sầu riêng cao nhất là 40 ngàn đồng/cây thì năm nay có lúc bán được giá 110 ngàn đồng cây. Hạt bơ cũng tăng giá bán gấp đôi lên hơn 15 ngàn đồng/kg; nhánh bưởi da xanh còn trên cây khoảng 2 gang tay người lớn có giá đến 10 ngàn đồng, gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.

Ngoài ra, các loại cây giống khác ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn vừa qua cũng tăng giá khá cao. Trong đó, ổi lê gần 10 ngàn đồng/cây; nhãn tiêu da bò 15 ngàn đồng/cây mà không có bán; xoài gần 40 ngàn đồng/cây rồi.

Ông Trần Văn Minh, chủ vựa cây giống ở xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Năm nay thị trường cây giống tăng cao rất bất thường chủ yếu do ảnh hưởng của hạn, mặn. Tuy nhiên, một số loại cây giống khác cũng tăng cao khiến nhiều người bất ngờ”.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Giá cây giống tăng cao hiện nay có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến tình hình sản xuất của bà con trong những năm sau. Bởi vì, nhiều nhà vườn sẽ đầu tư vô điều kiện vào lĩnh vực cây giống. Đồng thời, khả năng bà con bỏ cây ăn trái chuyển sang trồng cây giống cũng có thể xảy ra và điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho việc tổ chức sản xuất lâu dài đối với các vùng đã quy hoạch một cách khoa học…”.

Theo tiến sĩ Liêm, sau đợt hạn, mặn vừa qua, toàn huyện Chợ Lách thiệt hại hơn 60 tỷ đồng do cây giống chết, cây ăn quả mất năng suất. Trong đó có gần 500 ha cây ăn quả như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm bị thiệt hại từ 30 đến 100%. Hiện một số nhà vườn đã đốn bỏ và đào gốc chôm chôm thiệt hại để chuẩn bị trồng cây mới.(XL)


Đình chỉ lưu thông hàng loạt thuốc kháng sinh kém chất lượng

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt vừa ký ban hành các công văn đình chỉ lưu hành...

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt vừa ký ban hành các công văn đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc kháng sinh không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Trong số này có cả thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ.

Cụ thể, đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu định lượng đối với thuốc bột pha hỗn dịch uống Philtadol (Cefpodoxim 100mg), số lô: 15002; đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan đối với thuốc viên nén bao phim Rom-150 tablets (Roxithromycin 150mg), số lô: ZET1709; đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan đối với thuốc bột pha hỗn dịch uống Ceferaxim 125 (Cefuroxime 125mg), số lô: 173316001.

Theo ông Nguyễn Tất Đạt, các quyết định này của Cục Quản lý dược được đưa ra, dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư về các chỉ tiêu chất lượng của những lô thuốc trên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục