tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 03-08-2016

  • Cập nhật : 03/08/2016

Phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức

Đó là chủ đề của buổi Hội thảo khoa học vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Hội thảo do Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Thanh toán (NHNN) đồng tổ chức nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, làm rõ những cơ hội, thách thức và rủi ro tiềm ẩn của hệ thống thanh toán này. Từ đó đưa ra những giải pháp giám sát rủi ro và định hướng phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã tập trung thảo luận 5 chủ đề chính do các diễn giả đến từ đơn vị Vụ Thanh toán – NHNN; Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam và một số ngân hàng thương mại: Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch thanh toán bán lẻ tại Việt Nam; Thanh toán di động - Bước tiến mới trong thanh toán bán lẻ; Ứng dụng công nghệ thanh toán bán lẻ mới: Sự sẵn sàng và cơ hội tại Việt Nam; Phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Techcombank; Rủi ro hệ thống thanh toán và thực tiễn giám sát hệ thống thanh toán tại Việt Nam; Định hướng và một số giải pháp phát triển thanh toán bán lẻ tại Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, một số bài tham luận trong tài liệu Hội thảo cũng làm rõ thêm các nội dung liên quan trực tiếp đến việc phát triển thanh toán bán lẻ như: Vai trò của NHNN trong việc phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam; Phổ cập tài chính - Góc nhìn từ thanh toán bán lẻ; Xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam; Giám sát hệ thống thanh toán bán lẻ nhìn từ kinh nghiệm của Liên minh châu Âu và khuyến nghị cho Việt Nam…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, trong thời gian qua, NHNN với vai trò là đơn vị tham mưu cho Chính phủ thực hiện quản lý hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hệ thống thanh toán phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động trong tiến trình hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong những năm tới, cùng với xu hướng đổi mới công nghệ mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán điện tử và thương mại điện tử sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển của các hệ thống thanh toán tại Việt Nam nói chung và hệ thống thanh toán bán lẻ nói riêng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận và trao đổi về vấn đề phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam. Các đại biểu đều cho rằng, thời gian qua, NHNN đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện và đồng bộ khuôn khổ pháp lý về thanh toán; hệ thống ngân hàng thương mại cũng không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và giao dịch thanh toán bán lẻ nói riêng.

Tuy nhiên, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán bán lẻ mới ở mức độ cơ bản (thể hiện bởi số lượng người sử dụng dịch vụ thanh toán qua ATM, POS, internet banking, mobile banking chiếm tỷ trọng thấp, chưa đạt như kỳ vọng thị trường); giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công (nộp thuế, thanh toán hóa đơn điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục…) chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh số thanh toán.

Từ những nội dung thảo luận, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Đó là NHNN cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thanh toán theo xu hướng tập trung, hiệu quả, an toàn, thông suốt làm nền tảng cho các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý, có chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ; Tăng cường năng lực thực hiện chức năng giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục tăng cường phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng thanh toán; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng.

Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng, chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục tài chính cho người dân về thanh toán điện tử, thanh toán bán lẻ nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về thanh toán điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của việc phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, khi mà các đối tượng sử dụng từ hệ thống này là đại bộ phận người dân trong xã hội.(TBNH)

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đứng ở mức thấp, NHNN hút ròng

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp liên tiếp nhiều tuần qua, cùng với trạng thái hút ròng chủ yếu của NHNN qua kênh tín phiếu cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào.

dien bien lai suat lien ngan hang (nguon: bvsc/bloomberg)

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: BVSC/Bloomberg)

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã nhận định như vậy trong Bản tin Trái phiếu tuần số 29 (từ 25/7/2016 đến 29/7/2016).

BVSC cho biết, lãi suất liên ngân hàng tuần qua mặc dù có diễn biến trái chiều, tuy nhiên cả ba kỳ hạn vẫn giữ ở mặt bằng khá thấp bốn tuần liên tiếp. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm và hai tuần tăng nhẹ 0,07% và 0,02% lần lượt lên mức 1,24% và 1,64%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 1 tuần giảm 0,07% về mức 1,39%/năm.

“Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp liên tiếp nhiều tuần qua, cùng với trạng thái hút ròng chủ yếu của NHNN qua kênh tín phiếu cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang tương đối dồi dào”, tổ chức này nhận định.

Lý giải nguyên nhân khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, BVSC cho rằng là do những yếu tố chính sau. Thứ nhất, tiền đồng tạm thời dư thừa do trước đó NHNN liên tiếp mua vào ngoại tệ nhằm đẩy mạnh dự trữ ngoại hối, ước tính khoảng 8 tỷ USD.

Thứ hai, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng 6 tháng đầu năm đạt 8,23% (cao hơn mức 4,58% cùng kỳ năm 2015) trong khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 6,2%, tạo nên khoảng chênh lệch nguồn cung vốn giúp thanh khoản hệ thống dư thừa.

Tuy nhiên, theo BVSC, việc dư thừa thanh khoản thời điểm này chỉ mang tính chất ngắn hạn do tính mùa vụ trong 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn (dự tính trên 10%) cùng với rủi ro lạm phát tăng nhanh trở lại (dự kiến 4-5% cả năm nay)

sẽ gây áp lực lên lãi suất. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp như hiện tại được dự báo có thể chỉ duy trì được một vài tuần nữa trước khi bật tăng trở lại.

Về hoạt động phát hành tín phiếu, BVSC cho biết, tuần qua là tuần thứ 9 NHNN tiếp tục điều tiết cung cầu tiền Đồng trên thị trường thông qua việc phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn. Theo đó, tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành bốn phiên trong tuần với tổng

giá trị đạt 22.000 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đáo hạn đạt 10.000 tỷ đồng. Do vậy, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 12.000 tỷ đồng từ thị trường.

Nhìn chung, trong 9 tuần phát hành tín phiếu vừa qua, có đến 6 tuần ở trạng thái hút ròng tiền từ thị trường. Tổng lượng tiền được hút ròng về qua kênh này đã đạt 46.000 tỷ đồng trong hai tháng qua.

Trong khi thị trường nở (OMO) tiếp tục trầm lắng tuần thứ mười liên tiếp khi không có hoạt động bơm/hút ròng nào qua kênh này.(TBNH)

NHNN công bố 2 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngoại hối

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN.

Theo đó, NHNN ban hành 2 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc lĩnh vực hoạt động ngoại hối, đó là: Thủ tục đăng ký khoản cho vay nước ngoài của tổ chức tín dụng; Thủ tục đăng ký thay đổi khoản cho vay nước ngoài của tổ chức tín dụng.

Cơ quan thực hiện các thủ tục này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính trên là Thông tư số 13/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2011/TT-NHNN ngày 30/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

Nội dung cụ thể của các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung được đăng tải chi tiết tại mục Dịch vụ công trên Website NHNN.(TBNH)

Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của hệ thống ngân hàng

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 2/8, khi trả lời câu hỏi của báo giới về con số nợ xấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.

pho thong doc nhnn nguyen thi hong

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo số liệu của các TCTD báo cáo về NHNN thì nợ xấu tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, thấp hơn mức mục tiêu 3% mà NHNN đặt ra và đạt được hồi cuối năm 2015.

Điều đó cho thấy, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục được NHNN đặt ra là trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, 6 tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án xử lý nợ xấu trong năm 2016.

“Thống đốc cũng chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ để làm sao mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh. Chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp tích cực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu…”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu qua VAMC vẫn đang được tiếp tục thực hiện để kiểm soát nợ xấu, đưa nợ xấu xuống mức cho phép.

Tại buổi họp báo, số liệu thống kê cho thấy, về tiền tệ tín dụng, đến ngày 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,84% so với tháng 12/2015, huy động vốn tăng 10,17%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,02%.(TBNH)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục