tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-08-2016

  • Cập nhật : 20/08/2016

Tôm, cá Việt kiến nghị gỡ khó xuất khẩu hàng sang Trung Quốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có báo cáo những khó khăn, vướng mắc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc gửi Bộ Công Thương.

Theo Vasep, thời gian qua, Trung Quốc đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.

Trong đó, với mặt hàng thủy sản, các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như thông tin mạng quản lý phía Trung quốc yêu cầu, muốn xuất khẩu vào nước này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.

Trong khi theo quy định của Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam (Nafiqad) thì chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong danh sách các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, một số chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc, ví dụ như cá hồi… Cục Nafiqad đã có nhiều công văn sang Trung Quốc nhưng vẫn chưa có trả lời chính thức.

Ngoài ra, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua (theo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch), thì Trung Quốc đã yêu cầu có chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc… do Nafiqad cấp đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu. Vì vậy, nhiều DN và thương lái Trung Quốc đã không hoặc hạn chế đi việc thu mua theo con đường tiểu ngạch như trước đây.

Với mục tiêu đẩy mạnh việc xuất khẩu ổn định thủy sản sang thị trường Trung Quốc và tránh những tác động tiêu cực, Vasep đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính như báo cáo ở trên.

Theo Vasep, Bộ NN&PTNT cần có được cơ sở dữ liệu và thống kê chính xác về sản lượng thủy sản thực tế để có cơ sở đánh giá cung cầu. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần làm việc với Trung Quốc kiến nghị mở rộng danh mục sản phẩm thủy sản được phép nhập khẩu từ Việt Nam.(Phapluattp)


Cần cơ chế mở hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy

70% sản lượng giấy của Việt Nam sử dụng nguyên liệu là giấy loại (đã dùng), trong đó 50% thu gom trong nước.

Hiệp hội đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quốc gia coi giấy đã qua sử dụng không phải là phế liệu mà là nguyên liệu thứ cấp (trên thế giới người ta dùng từ “giấy thu hồi” để nhấn mạnh bản chất của loại nguyên liệu này) và việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng, sử dụng giấy tái chế là việc làm ích nước, lợi dân.

Từ đó có các chính sách khuyến khích trong việc thu gom, phân phối và tái chế giấy đã qua sử dụng (nếu được coi những hoạt động này là những hoạt động không chịu thuế), trong tín dụng và giảm thuế VAT (Từ 1/7/2015, Trung Quốc đã giảm 50% thuế VAT cho các loại giấy sản xuất từ giấy thu hồi).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy (QCVN 12-MT : 2015/BTNMT) quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp giấy và bột giấy khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho rằng, trước khi Quy chuẩn ban hành về các thông số BOD, COD, độ màu và nhất là về dioxin; các hệ số về lưu lượng dòng chảy (kq), hệ số dung tích (kq) của nguồn tiếp nhận nước thải và hệ số lưu lượng nguồn thải (kf) vẫn không được chấp thuận.

QCVN 12-MT : 2015/BTNMT đã tạo nên một hàng rào khó ai vượt qua được. Phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể thực hiện được Quy chuẩn và dần bị loại trừ. Điều này đã khiến ngành giấy đứng trước nguy cơ sụp đổ dần.

Trong khi đó, theo Điều 58 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, tất cả các doanh nghiệp sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu vì đơn vị có sản lượng thấp nhất cũng phải nhập 1.000 tấn/tháng (2 lô), với số tiền ký quỹ 800 triệu/tháng.

Tính bình quân, doanh nghiệp sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng; số tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất giấy ký quỹ nhiều nhất là 8 tỷ đồng (10.000 tấn/tháng). Việc ký quỹ làm cho chi phí sản xuất tăng và vốn lưu động cùa doanh nghiệp giảm do phải dùng vốn lưu động để ký quỹ.

Ngay từ khi góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, rồi dự thảo Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Hiệp hội đã đề nghị không đưa nội dung ký quỹ vào Luật và Nghị định. Khi đã đưa vào Luật rồi, hãy chưa đưa vào Nghị định (như 5 năm trước đây) và nếu buộc phải đưa thì chỉ ở mức 5% giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Vì vậy, VPPA kiến nghị, Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách, cơ chế mở hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp ngành giấy trong nước tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới.(DDDN)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA)


Rút ngắn thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu

Cục Hải quan TP.HCM vừa triển khai kế hoạch hành động nhằm cải cách thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới trong năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan 30%-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016; bảo đảm hằng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết sẽ thực hiện có hiệu quả hệ thống thông quan tự động; mở rộng việc triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử; công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử về thủ tục hành chính.


IFC phê duyệt khoản vay 125 triệu USD cho VPBank

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) vừa phê duyệt gói tài chính 125 triệu USD cho VPBank để mở rộng vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu hoặc do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển cơ hội thương mại quốc tế.

ky ket hop dong vay von giua vpbank va ifc

Ký kết hợp đồng vay vốn giữa VPBank và IFC

Gói tài chính gồm khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD kỳ hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại 25 triệu USD.

Khoản vay dài hạn sẽ được chia làm 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng trị giá 50 triệu USD. Hợp đồng hợp vốn lần 1 vừa được ký trong tháng này với các bên đồng cung cấp là IFC và Ngân hàng Cathay United (CUB).

Hợp đồng lần 2 dự kiến ký kết vào đầu quý IV năm nay. Riêng hạn mức tài trợ thương mại 25 triệu USD dự định ký kết trong tháng 8.

Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc VPBank, cho biết phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ là một trong các phân khúc trọng tâm của ngân hàng trong chiến lược hướng tới trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu VN. Gói tài chính do IFC cung cấp sẽ giúp VPBank đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này.

“Việc IFC cam kết cung cấp gói tài chính trị giá 125 triệu đô la đã chứng tỏ sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng trên thị trường tài chính”, ông Vinh nói.

ky ket hop dong vay von giua vpbank va ifc

Ký kết hợp đồng vay vốn giữa VPBank và IFC

Ông Kyle Kelhofer, giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, chia sẻ đây là cam kết lâu dài của IFC trong việc đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần.

"Mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính và thương mại là điều cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp thúc đẩy nền kinh tế, tăng ngoại tệ và tạo nhiều việc làm", ông Kyle Kelhofer nói.

Là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC là tổ chức tài chính phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển. IFC đặc biệt chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 97,6% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại VN và tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận người dân.

VPBank được thành lập vào năm 1993 hướng đến việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho mọi đối tượng khách hàng, trong đó tập trung vào các phân khúc trọng tâm là khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Moody's đánh giá tín nhiệm của VPBank ở mức B3, triển vọng “ổn định”.(TT)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục