tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

  • Cập nhật : 23/10/2017

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện, ông Shinzo Abe sẽ trở thành thủ tướng Nhật tại nhiệm lâu nhất từ sau Thế chiến II.

thu tuong shinzo abe, lanh dao dang dan chu tu do (ldp), xuat hien tai mot buoi hop bao sau cuoc bau cu ha vien nhat ket thuc vao toi 22/10. anh: reuters.

Thủ tướng Shinzo Abe, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP), xuất hiện tại một buổi họp báo sau cuộc bầu cử Hạ viện Nhật kết thúc vào tối 22/10. Ảnh: Reuters.

 

Với chiến thắng lớn của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 22/10, ông Shinzo Abe sẽ tiếp tục nắm quyền ít nhất đến năm 2021, trở thành thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất kể từ năm 1945 tới nay với nhiều dấn ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của mình, AFP ngày 22/10 đưa tin.

Ông Abe sinh ra trong một gia đình ba đời làm chính trị. Ông nội Nobusuke Kishi của ông từng là một thành viên nội các chính phủ Nhật trong Thế chiến II. Ông Kishi từng bị bắt với cáo buộc phạm tội chiến tranh nhưng không bị kết án. Sau đó, ông trở thành thủ tướng Nhật và vun vén mối quan hệ đồng minh với Mỹ. 

Cha của ông Abe, Shintaro Abe, từng đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng Nhật Bản. Khi cha mất, ông Abe đang là thư ký nội các của chính phủ. Vào năm 1993, ông Abe thay thế vị trí của cha mình trong quốc hội và con đường chính trị của ông bắt đầu rộng mở.

Khi giữ chức phó thủ tướng dưới thời ông Junichiro Koizumi, ông Abe nổi tiếng là một chính trị gia có lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Sau này, ông được chính cựu thủ tướng Koizumi chọn làm người kế nhiệm.

Vào năm 2006, ở tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản trẻ nhất kể từ sau chiến tranh. Tuy nhiên, khi mới lên nắm quyền được một năm, ông Abe buộc phải rời chính trường do căn bệnh viêm loét đại tràng. Sau này, ông Abe còn thẳng thắn chia sẻ với báo chí rằng căn bệnh này khiến ông phải đi vệ sinh quá nhiều, vì thế không thể tập trung làm công việc của một người lãnh đạo đất nước.

Vào năm 2012, ông Abe trở lại chính trường với tỷ lệ ủng hộ của cử tri lên tới 60% và trở thành Thủ tướng Nhật Bản có sức ảnh hưởng hơn cả các bậc tiền bối, theo Washington Post.

Ông Abe tiết lộ cuốn hồi ký "Không bao giờ tuyệt vọng" của cố thủ tướng Anh Winston Churchill là nguồn cảm hứng cho ông quay trở lại con đường chính trị. Còn với người dân Nhật Bản, họ nhìn thấy ở ông sự ngạo nghễ của một chính trị gia con nhà nòi và khiếu hài hước tự giễu hiếm thấy ở các lãnh đạo châu Á.

Người dân Nhật phấn chấn trước cam kết của ông Abe đưa kinh tế trở lại thời kỳ phát triển bùng nổ và tạo dựng hình ảnh một nước Nhật cứng rắn hơn về mặt ngoại giao, đặc biệt trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

"Tôi nghĩ thành tựu của ông Abe là ở chỗ ông ấy thành công trong xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và chính sách ngoại giao chủ động tiến gần tới các nước châu Á, trừ Trung Quốc và Triều Tiên", giáo sư Jeff Kingston của đại học Temple ở bang Pennsylvania, Mỹ, nói với kênh Al Jazeera.

Vực dậy kinh tế, xúc tiến sửa đổi hiến pháp

Chiến thắng vang dội của liên minh cầm quyền giữa Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe và đảng Công Minh Komeito trong cuộc bầu cử Hạ viện chắc chắn sẽ giúp ông Abe tiếp tục thực hiện các kế hoạch đang dang dở, trong đó quan trọng nhất là chính sách kinh tế Abenomics và nỗ lực sửa đổi hiến pháp chủ hòa.

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm qua, kinh tế Nhật luôn chìm trong tình trạng giảm phát do tiêu dùng nội địa yếu. Để vực dậy sự trì trệ của nền kinh tế, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Abe đã ban hành chính sách có tên gọi "Abenomics" (tạm dịch: Kinh tế học của Abe).

Chính sách này bao gồm các biện pháp nới lỏng tiền tệ, gia tăng chi tiêu công và hàng loạt các cải cách khác nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và chú trọng tự do thương mại. "Abenomics" khiến người dân kỳ vọng về "sự tái sinh" của nền kinh tế Nhật Bản.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe cũng kiên trì theo đuổi việc sửa đổi hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, vốn nghiêm cấm triển khai lực lượng vũ trang nước này ở nước ngoài, hạn chế đáng kể vai trò của Nhật trong cấu trúc an ninh khu vực.

Điều 9 trong hiến pháp cấm Nhật Bản xây dựng duy trì lực lượng vũ trang. Các chính phủ Nhật nhiều thời kỳ quyết định duy trì lực lượng vũ trang chỉ cho mục đích phòng vệ.

Ông Abe từ lâu đã muốn diễn giải lại hiến pháp, nhằm cho phép quân đội Nhật Bản triển khai binh sĩ ở nước ngoài để thực hiện quyền phòng vệ tập thể, bảo vệ đồng minh trong tình huống bị đe dọa.

Theo ông Abe, việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Triều Tiên và thái độ kiên quyết của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Thời kỳ đầu sự nghiệp chính trị, truyền thông trong nước khai thác cách ông Abe nắm tay vợ khi xuất hiện trước công chúng, hành động hiếm thấy ở một xã hội bảo thủ như Nhật Bản. Đến bây giờ, ông Abe vẫn ghi điểm với công chúng bằng những hành động, lời nói vừa cứng rắn vừa mềm mỏng. 

Dư luận Nhật Bản từng rất thích thú khi Thủ tướng Abe đóng giả làm nhân vật Super Mario trong trò chơi điện tử nổi tiếng để quảng bá cho Thế Vận Hội Olympics 2020 tại Tokyo, nhưng họ cũng rất đồng tình với các phát ngôn không khoan nhượng của ông Abe trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Đây có thể là nền tảng để ông Abe hiện thực hóa các tham vọng của mình trong những năm cầm quyền tiếp theo.

Theo VnExpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục