tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chiêu trò thao túng Ngân hàng Xây dựng

  • Cập nhật : 19/07/2016
Qua các vụ án ngân hàng đã và sắp đưa ra xét xử cho thấy càng ngày số tiền thất thoát từ các ngân hàng ở vụ sau “khủng” hơn vụ trước và hành vi rút ruột của các “ông chủ” ngân hàng cũng táo tợn hơn. Và, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, là một trong những trường hợp điển hình.    

 

Phiên toà sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và 35 bị cáo khác về vi phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng dự kiến bắt đầu vào ngày hôm nay - 19/7

“Con voi chui tọt lỗ kim”

Phiên toà sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử Phạm Công Danh và 35 bị cáo khác xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) dự kiến bắt đầu hôm nay (ngày 19/7) và sẽ kéo dài đến ngày 18/8. Một trong những vấn đề dư luận quan tâm tại Phiên toà là lỗ hổng nào đã giúp Phạm Công Danh và đồng bọn thao túng mọi hoạt động của VNCB một cách dễ dàng?

Đọc kỹ phần kết luận trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án, có thể thấy, hành vi phạm tội của Phạm Công Danh như “con voi” nhưng vẫn chui tọt một cách dễ dàng qua “lỗ kim” của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) tại VNCB.

Đơn cử như hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, tổng thiệt hại mà Phạm Công Danh gây ra ở VNCB đã là hơn 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63,276 tỷ đồng; lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Danh đã chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay (liên quan đến 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân thuộc Nhóm Trần Ngọc Bích). Mặt khác, Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.

Về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo cấp dưới là Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết và các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật.

Phạm Công Danh đã sử dụng các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và lô đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh), chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo; chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh.

Danh còn chỉ đạo 15 cá nhân chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho Ngân hàng BIDV 2.600 tỷ đồng (thay cho các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV); trả 500 tỷ đồng cho Nhóm Trần Ngọc Bích (của cá nhân Danh); trả Nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng (cho việc mua cổ phần). Số còn lại 1.465 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.

Ẩn khuất Tổ giám sát

Hậu quả để lại từ lỗ hổng giám sát ở VNCB là cực kỳ nghiêm trọng, nếu chỉ truy cứu hành vi thiếu trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát cũng chưa thể thuyết phục được dư luận về những chuyện ẩn khuất ở phía sau.

Trong những hành vi phạm tội của Danh, có điểm rất đáng để lưu ý. Thứ nhất, như trong bản cáo trạng có nêu rõ, sau khi được NHNN chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6/9/2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB), trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - NHNN (theo Quyết định số 12/QĐ-NHNN ngày 14/2/2012).

Vậy thì lý do gì mà Tổ giám sát của NHNN lại không thể hiện được vai trò giám sát, để cho Phạm Công Danh và các đồng phạm vô hiệu hoá, mặc sức thao túng trong vòng hơn một năm rưỡi khi họ tiếp quản VNCB?

Lẽ đương nhiên là một số thành viên trong Tổ giám sát thuộc NHNN cũng đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an “sờ gáy”. Trong bản cáo trạng cũng có nêu về Quyết định tách vụ án hình sự số 5 ngày 11/3/2016 đối với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 bị can (Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh) là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan để tiếp tục điều tra.

Do đó, để hiểu sâu hơn những khuất tất về Tổ giám sát của NHNN tại VNCB có thể sẽ còn phải chờ đợi thêm diễn biến ở một phiên toà khác. Chỉ biết rằng, hậu quả để lại từ lỗ hổng giám sát ở VNCB là cực kỳ nghiêm trọng, nếu chỉ truy cứu hành vi thiếu trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát cũng chưa thể thuyết phục được dư luận về những chuyện ẩn khuất ở phía sau.


Thế Vinh
Theo Báo Đấu Thầu

Trở về

Bài cùng chuyên mục