tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch Hòa Phát: Tôn trọng đối thủ nhưng không sợ cạnh tranh

  • Cập nhật : 27/07/2016

Có ý kiến cho rằng Hòa Phát không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường thức ăn chăn nuôi như CP, Proconco, GreenFeed hay Dabaco, nhưng ông Long khá tự tin và cho rằng “cạnh tranh sẽ làm mình trưởng thành lên và mình sẽ làm tốt được thôi”.

Quý 2/2016, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố ước lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng, con số này tăng 60% cùng kỳ năm trước, gấp đôi số quý 1 và cũng là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Hòa Phát. Dự kiến cả năm 2016 lợi nhuận sau thuế của toàn tập đoàn đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch.

Theo trao đổi của lãnh đạo Hòa Phát, 85% lợi nhuận mang về từ mảng thép, 10-15% còn lại từ mảng nội thất, điện lạnh, thiết bị phụ tùng. Quý này có vẻ nông nghiệp vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho Hòa Phát.

Mảng nông nghiệp của Hòa Phát hiện tại chia làm 2 phần: thức ăn chăn nuôi và nuôi bò, gà, lợn. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho rằng chiến lược của Hòa Phát sẽ tập trung vào mảng có nhu cầu cao nhất.

Hòa Phát đã nhập 2 đợt giống heo với tổng số 1.400 con nuôi ở Yên Bái và Bình Dương, đây là các con lợn giống thuần chủng thuộc dòng cụ kị “đi máy bay từ Đan Mạch về” và sẽ dùng để nhân đàn, nhóm ngành này sẽ có lợn thương phẩm vào năm 2018, dự kiến trong 10 năm tới HPG sẽ cung ra thị trường khoảng 1 triệu đầu lợn. Hòa Phát cũng đang chuẩn bị nhập về 3.000 con bò trong tháng 8 này, với dự kiến sẽ nâng tổng sức chứa lên 50.000 con/năm. Ngoài ra, tập đoàn này cũng dự định nuôi gia cầm và gây một đàn khoảng 1 triệu con gà, cung cấp trứng và thành phẩm ra thị trường. Tuy nhiên hiện tại Hòa Phát mới chỉ làm feed và farm (chăn nuôi) chứ chưa tính đến chuyện giết mổ.

Nói về lĩnh vực nông nghiệp, lần nào gặp gỡ nhà đầu tư ông Long cũng nhận được rất nhiều câu hỏi thể hiện nỗi lo lắng về khả năng thành công của nhóm ngành này. Nếu Hòa Phát đang làm rất tốt mảng thép, tại sao phải rẽ sang nông nghiệp làm gì?

Ông Long cho rằng lĩnh vực nông nghiệp có rủi ro cao nhưng đi kèm với đó là cơ hội rất lớn. Chưa bao giờ nhu cầu về thực phẩm có thể tra cứu nguồn gốc và thực phẩm sạch lại tăng và trở nên quan trọng như bây giờ. HĐQT đã nghiên cứu nhiều ngành nghề và cho rằng phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một chiến lược, một hướng đi của Hòa Phát.

Tự nhận mình là người rất thận trọng, ông Long cho rằng trên thương trường không nhìn trong ngắn hạn, và truyền thống của Hòa Phát là lấy ngành hàng trước có lợi nhuận nuôi dưỡng ngành hàng sau. Một vài năm tới 2017, 2018 Hòa Phát sẽ có lợi nhuận từ các công ty nông nghiệp, kỳ vọng đến 2020 sẽ đạt 50% doanh thu từ mảng nông nghiệp. Ông Long cam kết tổng đồng vốn nhận của cổ đông sẽ được sử dụng có lợi nhất và công ty phát triển ổn định lâu dài.

Với mảng thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát đã đầu tư 2 nhà máy ở Hưng Yên và Đồng Nai với tổng công suất 600.000 tấn/năm trong đó nhà máy ở Hưng Yên đã đưa vào chạy thử từ tháng 6/2016 và nhà máy tại Đồng Nai đã được 50%. Hòa Phát đang làm công tác xây một nhà máy thứ 3 tại Phú Thọ và đang tìm hiểu xây nhà máy ở đồng bằng Sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

Hiện tại quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi khoảng 16 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng 10%/năm. Một số ý kiến cho rằng Hòa Phát không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường như CP, Proconco, GreenFeed (thức ăn chăn nuôi) hay Dabaco (chăn nuôi), nhưng vị thuyền trưởng của Hòa Phát khá tự tin và cho rằng không đi thị trường ngách, Hòa Phát “giống như xe lu hay xe tăng, đều đi trực diện”, tôn trọng đối thủ nhưng không sợ, ông Long cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng có cạnh tranh vì “không thể một mình một chợ được, cạnh tranh sẽ làm mình trưởng thành lên và mình sẽ làm tốt được thôi”.

Mục tiêu của Hòa Phát sẽ làm theo quy hoạch đầu tư khép kín, từ thức ăn chăn nuôi, đến chăn nuôi và ông Long cho rằng ông không đặt mục tiêu lợi nhuận trước mắt, mọi thứ đang triển khai tương đối đúng kế hoạch. Vì là người đi sau, nên Hòa Phát cố gắng đề ra chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tương đương với các công ty lớn. Ngoài ra do đã có kinh nghiệm phát triển các đại lý phân phối bán hàng nên việc triển khai đại lý thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát không khó.

Theo ông Long, nhà máy thức ăn chăn nuôi phải đạt một sản lượng nhất định mới đạt điểm hòa vốn và có lãi, ông Long cho biết theo báo cáo của bộ phận thức ăn chăn nuôi thời điểm này “vẫn bị lỗ chút xíu” nhưng tốc độ bán hàng thức ăn chăn nuôi đang vượt mong muốn.

Hiện Trung Quốc đang đứng đầu về tiêu thụ thịt lợn nhưng vị trị này có thể sớm bị thay thế bởi Việt Nam. OECD ước tính đến năm 2023, lương tiêu thụ trên đầu người ở Việt Nam sẽ ở mức 33,9 kg so với mức 22,9 kg hiện tại trong khi dự báo của Trung Quốc chỉ ở mức 33,2 kg. Thu nhập bình quân của người Việt đã tăng 42% trong 5 năm qua lên 2.173,65 USD và được dự báo sẽ tăng 43% lên 3.105,41 USD vào năm 2021 sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng lên cao.




Hoàng Ly
(Theo Người Đồng Hành)

Trở về

Bài cùng chuyên mục