tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Để xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD: Đâu là giải pháp?

  • Cập nhật : 17/04/2018

Tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I đạt con số kỷ lục trong 13 năm qua. Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 40-40,5 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD)..

nam 2018, nganh nong nghiep se tap trung phat trien che bien rau qua phuc vu thi truong trong nuoc va xuat khau. nguon: internet

Năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển chế biến rau quả phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nguồn: internet

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản cần giải cứu, Bộ Nông nghiệp và PTNT làm gì để đạt con số trên?

Những điểm sáng

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, quý I/2018, GDP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,05%, mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu trong quý này toàn ngành cũng đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,4% mục tiêu của 2018.

Đóng góp tốc độ tăng trưởng trên, ngành trồng trọt nổi lên như một điểm sáng, tăng tới 5,16%. Đáng lưu ý, ngành hàng lúa gạo sau năm 2017 “thức tỉnh” và bật dậy bất ngờ, 3 tháng đầu năm nay tiếp tục giữ nhịp tăng. Tổng sản lượng lúa cả nước ước đạt gần 11,2 triệu tấn, tăng trên 570.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo được cải thiện. Dự báo, xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt 6,5 triệu tấn.

Trong khi đó, một “ngôi sao đang lên” khác chính là rau quả, khi kim ngạch xuất khẩu trên 930 triệu USD ngay trong quý I, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2017. Còn hai “ông lớn” khác là thủy sản và gỗ đều tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,87 tỷ USD.

Năm nay, dù gặp nhiều rào cản về thị trường, đặc biệt là vấn đề thuế chống bán phá giá của Mỹ áp với tôm, cá tra, “thẻ vàng” của EU..., tuy nhiên, thủy sản là lĩnh vực được đặt mục tiêu với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD.

Nhìn tổng thể  bức tranh xuất khẩu nông sản năm nay, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex - doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản hàng đầu Việt Nam- cho rằng, có nhiều “cửa sáng” để hướng đến mục tiêu 40 tỷ USD toàn ngành.

Ông Nam cho biết, năm ngoái, cà phê Việt Nam mất mùa, sản lượng chỉ 1,5 triệu tấn, nhưng trên thế giới cung vượt cầu, nên giá có giảm. Đây cũng là điều bất lợi cho năm 2018, khi dự báo nguồn cung của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% so năm 2017. Năm qua, giá bình quân cà phê khoảng 45.000 đồng/kg, nhưng hiện  giảm còn khoảng 36.000 - 37.000 đồng/kg. Do vậy, nếu mức giá có cải thiện hơn hiện tại, cộng với sản lượng khả năng tăng lên, kim ngạch cũng chỉ ở mức xấp xỉ năm 2017, đạt khoảng 3,2 tỷ USD”.

Cũng theo ông Nam, về mặt hàng điều, hiện cung vẫn không đủ cầu, nên hy vọng giá sẽ tăng thêm so với hiện nay. Còn mặt hàng gạo, năm nay, nhu cầu cũng đang tăng lên, nên kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 6 triệu tấn. Bên cạnh trái cây, thuỷ sản, cao su đang tăng nhanh, nếu giá trị xuất khẩu cà phê, điều, gạo… tăng 5-10%, có thể góp phần tăng kim ngạch chung của ngành, với mục tiêu khoảng 40 tỷ USD trong năm 2018.

Thị trường là giải pháp ưu tiên số 1

Theo ông Đỗ Hà Nam, nông nghiệp dư địa đang rất tốt, tuy nhiên khâu yếu nhất chính là chế biến.

Còn ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, nông nghiệp đang phải đứng trước “4 chữ T”: Thiên tai và thị trường. Do vậy, ông đề xuất cần có quy hoạch sản xuất và có hỗ trợ cho những vùng đất diện “thích nghi”. Dẫn thí dụ từ vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, ông Ngọ nói: “Trước đây chúng ta có khoán chui, bây giờ đừng để dân làm chui nữa, mà dân làm chui là khổ lắm đấy”.

Theo ông Ngọ, bên cạnh bức tranh “màu xám” của thiên tai năm 2017, có sự bứt phá, thắng lợi toàn diện của nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản. Thực tế, nhiều mô hình chuyển đổi thích ứng với thực trạng hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như lúa-tôm, lúa-cây ăn quả... cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. “Thậm chí, mấy năm vừa rồi, người trồng lúa tủi thân lắm, nhưng năm 2017, cũng chưa có năm nào, người dân vui vẻ vì giá cao, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn”, ông Ngọ nói.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, để đạt mục tiêu tăng nói trên, giải pháp ưu tiên số 1 là thị trường, thậm chí trên cả vấn đề thiên tai. Cũng theo ông Tuấn, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản. Trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Nông nghiệp được đo với hai chỉ số là sản xuất và xuất khẩu. Nền nông nghiệp của Việt Nam xuất phát từ sản xuất nhỏ, quy mô hộ, sản xuất theo chuỗi từ nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ chưa bao quát hết, đây là một khó khăn của ngành nông nghiệp. Chính vì thế, năng xuất lao động, hiệu quả kinh tế, kiểm soát chất lượng, tổ chức ngành hàng nông nghiệp gặp thách thức.

Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 19 về xuất khẩu nông thủy sản, đứng thứ 2 ASEAN. Khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thì gặp những khó khăn về rào cản thuế và kỹ thuật. Thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống cũng như thị trường mới mở rộng đều bị cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thách thức về biến đổi khí hậu, khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phải vào cuộc quyết liệt, bám sát kịch bản tăng trưởng lĩnh vực, theo dõi để chủ động có giải pháp, nhằm đảm bảo mục tiêu cán đích đã đề ra.


Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục