tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“3 giới hạn” của nhà sáng chế Lê Duy Loan

  • Cập nhật : 30/06/2016

Lê Duy Loan đồng sở hữu 24 bằng sáng chế quốc tế, 5 bằng sáng chế tiên phong, đặc biệt quan trọng với bộ nhớ máy tính hiện đại.

Tập đoàn Texas Instruments mới đây vinh danh những kỹ sư có Thành tựu trọn đời (Senior Fellow) và đây là chức vị cao nhất trong nấc thang kỹ thuật ở Mỹ. Đáng chú ý trong lần vinh danh này có sự xuất hiện của người phụ nữ gốc Việt Lê Duy Loan, cũng là phụ nữ châu Á duy nhất. Một thành tựu không dễ đạt được, nhưng người phụ nữ có thần thái trẻ hơn rất nhiều so với tuổi này lại chia sẻ về sự thành công rất đơn giản. “Người muốn thành công phải chủ động đối mặt và vượt qua được nhanh nhất những giới hạn của bản thân liên quan đến thời gian, không gian và những định kiến”, cô đúc kết.

Giới hạn đầu tiên, nhà sáng chế, kỹ sư, nhà hoạt động xã hội Duy Loan vượt lên chính là thời gian. Nhập cư vào Mỹ năm 12 tuổi, cô bé Duy Loan ngày đó được xếp vào lớp 6 và bắt đầu hành trình chinh phục “giấc mơ Mỹ” tại Trường tiểu học Gordon Elementary ở Houston. Nhờ năng khiếu đặc biệt với toán học, bóng chày và hội họa, việc hòa nhập với cuộc sống và môi trường mới không phải quá gian nan với Duy Loan.

Thành tích học tập đầu tiên ghi nhận khả năng của cô bé Việt Nam là giải Công dân của tháng được Câu lạc bộ Quốc tế Kiwanis trao tặng. Tính chủ động và quyết liệt của nhà sáng chế tương lai đã được hình thành ngay những năm tháng tuổi niên thiếu. Khi đó, Duy Loan đã tự xin chuyển trường sau khi không được chấp nhận yêu cầu học vượt từ lớp 6 lên lớp 9. Tại trường mới, gánh nặng tài chính eo hẹp của gia đình khiến cô sáng đi học, chiều tối tranh thủ đi làm phụ gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn trở thành thủ khoa toàn bộ chương trình trung học chỉ trong vòng 3 năm và được Hiệp hội Học sinh trung học toàn nước Mỹ vinh danh vào năm 1979.

Những năm tháng ấy, Duy Loan kiên trì và lầm lũi tiến lên như “cỗ xe tăng”. Hầu hết các quyết định quan trọng nhất của cuộc đời như đi làm, kết hôn, mua nhà đều được cô thực hiện “siêu tốc” chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi có tấm bằng ưu tú về kỹ sư điện ở Đại học Texas Austin năm 1982 lúc vừa tròn 19 tuổi. Từ đây, cuộc đời cô gắn liền với công nghệ và trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở tập đoàn công nghệ lớn thứ ba của Mỹ Texas Instruments.

nha sang che le duy loan - anh: photos.smu.edu

nhà sáng chế Lê Duy Loan - Ảnh: photos.smu.edu

Tạo nên sự nghiệp lẫy lừng trong ngành kỹ thuật nhưng Duy Loan phải tiếp tục chinh phục cùng lúc hai giới hạn khác: công nghệ và định kiến. Mỗi bước đường tiến lên trong sự nghiệp là mỗi lần cô phải vượt qua định kiến của xã hội về hình ảnh người phụ nữ trong ngành kỹ thuật và trên hết là duy trì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Bước đầu sự nghiệp của cô tại Texas Instruments là vị trí thiết kế, mô phỏng, nâng cấp bộ nhớ máy tính thay cho mức 64Kb cơ sở, thuộc bộ phận Dynamic Random Access Memory (DRAM). Từng bước, Duy Loan từ một kỹ sư thiết kế đã chinh phục những nấc thang sự nghiệp lên vị trí quản lý nhóm thiết kế, thành viên cao cấp Hội đồng Kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff), thành viên danh dự Hội đồng Kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff) năm 1997 và cuối cùng là vị trí cao nhất là Thành tựu trọn đời.

Khi bước vào tuổi 49, cô có tên trong Hội đồng Quản trị của Texas Instruments, đồng thời còn là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty National Instruments, chuyên về đo đạc và kiểm nghiệm. Cô cũng là thành viên Hội đồng Quản trị của eSilicon Corp, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về thiết kế và sản xuất trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Dấu ấn thách thức đầu tiên trên hành trình xây dựng sự nghiệp rực rỡ này của Lê Duy Loan bắt đầu vào mùa anh đào nở năm 1985. Thời điểm đó, Texas Instruments cử nữ kỹ sư gốc Việt 22 tuổi phụ trách chuyến công tác 4 tuần tại Nhật với hai trọng trách lớn: xây dựng bộ máy chủ chốt và thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài, nhằm làm bàn đạp để Texas Instruments thâm nhập thị trường châu Á.

Hơn 30 năm trước, việc một phụ nữ châu Á đến từ tập đoàn lớn của Mỹ, được cử sang để đào tạo người Nhật về công nghệ là một chuyện vô cùng hiếm có. Trong 7 ngày đầu tiên, giới hạn chịu đựng được đẩy đến cực điểm và Duy Loan “gần như muốn dừng bước” vì không có cách tiếp cận với các kỹ sư Nhật, vốn là những người quen với định kiến phụ nữ chỉ nên “ở nhà gói sushi”.

Tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì nữ kỹ sư trẻ “xuất thần” nghĩ ra một giải pháp mà hầu hết đồng nghiệp Nhật đều cho rằng “kỳ quái”. Trong vòng 2 tuần tiếp theo, Duy Loan tập hợp mọi người trong nhóm lãnh đạo để họp mỗi ngày về bất cứ chủ đề gì họ thấy thích thú từ thể thao, ẩm thực, quan điểm tôn giáo, chính trị, thời tiết đến khoa học vụ trụ hay thú cưng nhưng tuyệt đối cấm thảo luận về… công việc. Chính điều này đã tạo cơ hội cho những con người đến từ hai nền văn hóa phương Tây và Đông được giao thoa, thấu hiểu và chia sẻ.

Trong 7 ngày cuối cùng còn lại của chuyến công tác, cả nhóm làm việc thâu đêm để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của cả tháng dồn lại. Nhưng khi nhớ lại mùa xuân năm ấy, cô luôn trân trọng sự “liều lĩnh” vì đã nghiệm ra một triết lý trở thành kim chỉ nam cho suốt quãng thời gian làm quản lý sau này: Thách thức lớn nhất để thử tài và tầm của một nhà điều hành không bao giờ là các vần đề khoa học hay kỹ thuật, mà chính là vấn đề quản trị con người.

Hiện tại, bà được cộng đồng các nhà khoa học hàng đầu thế giới ghi nhận như một nữ sáng chế tiên phong với sự nghiệp đồ sộ bao gồm: đồng sở hữu 24 bằng sáng chế quốc tế, trong đó có 5 bằng sáng chế tiên phong (pioneering patent), đặc biệt quan trọng với sự phát triển của bộ nhớ máy tính hiện đại. Người nữ kỹ sư gốc Việt còn có tên trong danh sách 10 diễn giả nổi tiếng của Mỹ khi từng diễn thuyết tại hàng loạt những đại học uy tín như Cornell, Georgetown, Đại học Virginia, Học viện Quân sự West Point hay tại tập đoàn lớn như Google, Facebook, Intel, Eli-Lily, Corning Glass hoặc tại các diễn đàn toàn cầu như Anita Borg, diễn đàn phụ nữ trong công nghệ WITI Women In Technology...

Dù bất cứ nơi đâu, luôn xuất hiện với trang phục đơn sắc tối giản và thanh lịch, công chúng đều bị cô thu hút bởi lối diễn đạt trực diện đi thẳng vấn đề, sự hài hước và khả năng tối giản những vấn đề cực kỳ phức tạp.

Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, người nữ kỹ lại muốn dấn thân vào một ngã rẽ mới được coi là “tâm huyết của cuộc đời mình”. Cô xin thôi việc tại Texas Instruments và đồng  thời sáng lập hai tổ chức phi lợi nhuận gồm Mona Foundation (năm 1999) và Sunflower Mission (năm 2002) với mục đích kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án vì cộng đồng tại quê hương Việt Nam. Tuy vậy, lãnh đạo Texas Instruments đã từ chối đơn xin nghỉ việc này và  đưa ra lời đề nghị “bà có thể không cần đến văn phòng, đi đâu và làm gì tùy thích, miễn vẫn hoàn thành vai trò lãnh đạo và quản trị chiến lược cho Tập đoàn”.

Vậy là Lê Duy Loan lại vượt lên trên những giới hạn của chính mình khi một lần nữa vừa làm tròn vai trò ở gia đình, ở Tập đoàn và với quê hương.
 

Minh Nguyệt
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục